Doanh nghiệp hưởng ứng cải cách hành chính thuế, hải quan
(Tài chính) Trước xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề cải cách thủ tục hành chính đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan được Chính phủ cũng như Bộ Tài chính chú trọng triển khai quyết liệt nhằm thúc đẩy phát triển và tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Quyết liệt cải cách
Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/3/2014 về những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2014, thời gian qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt vào cuộc, thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính nhằm mục tiêu cắt giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Theo đó, đối với những giải pháp thuộc thẩm quyền, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung 07 Thông tư về thuế nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế để thực hiện ngay từ ngày 01/9/2014. Cụ thể: sửa đổi các chỉ tiêu khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), qua đó số giờ nộp thuế GTGT giảm khoảng 156 giờ/năm; khắc phục sự khác biệt giữa doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), khắc phục sự khác biệt giữa chi phí ghi nhận theo kế toán và chi phí được trừ khi tính thuế TNDN qua đó số giờ nộp thuế TNDN giảm khoảng 45,5 giờ/năm. Như vậy, việc triển khai, tổ chức thực hiện tốt Thông tư trên, thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế sẽ giảm được 201,5 giờ/năm.
Bên cạnh đó, đối với giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Nghị định về thuế để thực hiện ngay, trong đó có nội dung quy định về cải cách thủ tục hành chính như: chuyển khai thuế GTGT từ tháng sang quý (qua đó giảm số lần khai thuế GTGT từ 12 lần/năm xuống còn 04 lần/năm đối với người nộp thuế có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống); bỏ quy định về khai thuế TNDN theo quý mà chỉ cần thực hiện khai quyết toán năm (giảm số lần khai thuế TNDN từ 05 lần/năm xuống còn 01 lần/năm); bổ sung quy định về đối tượng được áp dụng biện pháp ưu tiên trong quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần giảm số giờ nộp thuế khoảng 88,36 giờ/năm (trong đó thuế GTGT giảm 41,36 giờ và thuế TNDN giảm 47 giờ).
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tin tưởng, triển khai thực hiện tốt các giải pháp trên đã có thể cắt giảm khoảng 290 giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế (theo đánh giá của tổ chức quốc tế, thời gian thực hiện khai, nộp thuế của Việt Nam là 537 giờ/năm), tương đương hơn 54%. Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai, kiểm soát việc thực hiện các quy định mới đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, thuận lợi cho doanh nghiệp; kịp thời giải quyết vướng mắc và nghiên cứu sửa đổi những quy định còn chưa phù hợp, là rào cản trong việc tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Doanh nghiệp hưởng ứng
Trước những giải pháp quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ cũng như Bộ Tài chính về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, nhiều chuyên gia cũng như cộng đồng các doanh nghiệp cho rằng sự quyết tâm này sẽ mang lại lợi ích trước nhất cho chính doanh nghiệp sau đó là kéo theo sự phát triển của nền kinh tế.
Đánh giá về nỗ lực cải cách của ngành Tài chính, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, những cố gắng gần đây nhằm cải cách về thuế là rất ấn tượng. “Việc nhanh chóng ban hành Thông tư 119 ngay sau khi lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đã chứng tỏ quyết tâm của lãnh đạo ngành Tài chính trong việc thực hiện cam kết cắt giảm số giờ nộp thuế của doanh nghiệp xuống 300 giờ và tiếp tục xuống 171 giờ trong năm 2015” – bà Lan chia sẻ.
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng điểm khác biệt trong cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan lần này là Bộ Tài chính đã làm rất cụ thể, căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế để đưa ra những giải pháp, động thái nhằm đơn giản thủ tục thuế, hải quan gắn với mỗi mục tiêu cụ thể. Đó là những nỗ lực rất có ý nghĩa và thực sự đáng hoan nghênh, khi đó cải cách mới thực sự đạt được kết quả, và kết quả đó sẽ thúc đẩy nhiều tiến triển khác.
“Các doanh nghiệp sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ những cải cách rất hữu ích này. Nếu được thực thi nghiêm túc thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp sẽ giảm. Và hiệu ứng đối với nền kinh tế sẽ tốt hơn nhiều” - Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định. Thay vì những mục tiêu chung chung khó định lượng thì Bộ Tài chính có cách tiếp cận rất thực tiễn và thiết thực đó là đưa ra những hành động cụ thể, rõ ràng và theo dõi được từ những bộ chuẩn mực chung như chỉ số Doing Business của Ngân hàng Thế giới.
Công cuộc cải cách thủ tục hành chính nói chung là cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan nói riêng được đánh giá như một “làn sóng” đổi mới thể chế và sẽ mở đường cho làn sóng đầu tư, kinh doanh mới. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, các hiệp hội doanh nghiệp đã cùng nhau ký kết Tuyên bố về chương trình hành động của cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, nhóm hành động đầu tiên được xác định là sát cánh cùng Chính phủ cũng như Bộ Tài chính góp phần tạo đột phá thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.