Doanh nghiệp kiến nghị 'gói kích thích cần nhất'
Trong điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, mở cửa thị trường nội địa sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất có hiệu quả nhất lúc này.
Đây là quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi về các giải pháp để phục hồi nền kinh tế.
Chủ tịch VCCI đánh giá: Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp khá đồng bộ về tài khoá, tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho DN và người dân trong bối cảnh đại dịch COVID -19. Nhưng vấn đề là phải tổ chức thực hiện thật khẩn trương, hiệu quả các gói hỗ trợ này.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Trong điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, thì gói kích thích kinh tế lớn nhất, có hiệu quả nhất lúc này là mở cửa lại thị trường nội địa để cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế.
Hiện nay, các nhà máy sản xuất đã được tiếp tục, công trường đã mở cửa trở lại, nhưng nếu sản xuất được tiếp tục, công trường được mở cửa, nhưng lưu thông hàng hóa vẫn bị hạn chế, các cửa hàng cửa hiệu không được mở, giao thông vận tải vẫn ách tắc thì chuỗi cung ứng vẫn bị đứt đoạn, nền kinh tế vẫn trì trệ.
Đại diện cộng đồng DN đề nghị xem xét từng bước cho phép các cửa hàng, cửa hiệu được mở lại, phần lớn các hoạt động dịch vụ được khôi phục, du lịch nội địa được tiếp nối, giao thông nội địa được thông suốt, các đường bay nội địa được hoạt động trở lại rộng khắp hơn trên cơ sở bảo đảm các điều kiện giãn cách xã hội theo quy định của ngành y tế như: thường xuyên khử khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn...
Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí cơ hội của việc thực hiện cách ly xã hội là rất lớn và hậu quả mà nền kinh tế phải gánh chịu là rất nặng nề. Do đó, cộng đồng DN mong chờ sớm nới lỏng tiến tới dỡ bỏ các biện pháp cách ly những vẫn đảm bảo các điều kiện kinh doanh an toàn.
“Dòng chảy kinh doanh cần được khai thông khẩn trương hơn và trên phạm vi và diện bao phủ rộng lớn hơn”, ông Vũ Tiến Lộc phân tích.
Theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã phải đóng cửa, giải thể hay thu hẹp quy mô sản xuất và không ít đang trong trạng thái “ngủ đông”; 50% DN sẽ khó có thể tiếp tục trụ vững sau nửa năm nữa nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và các biện pháp cách ly không được dỡ bỏ hợp lý kịp thời...
Chủ tịch VCCI cho rằng: Mở cửa sớm thị trường, trước hết là thị trường trong nước - không gian kinh tế mà Việt Nam có thể chủ động điều tiết trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt như hiện nay, sẽ giúp cho các DN thực hiện tái khởi động thậm chí còn cấp thiết hơn các “máy trợ thở” tài chính.
“Bên cạnh việc mở cửa thị trường, một cuộc vận động sâu rộng những tháng cao điểm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “ Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam” của gần 100 triệu dân sẽ là niềm tin và bệ đỡ vững chắc cho những nỗ lực “đứng lên” từ thị trường ngay trên sân nhà”, ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 20/4, Thủ tướng đưa ra nhận định “tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn, cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường mà dịch bệnh có thể quay lại”.
Cần tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4 cho đến khi có chỉ đạo mới, dự kiến sẽ được đưa ra trong cuộc họp ngày 22/4.
Việc thực hiện biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 là đúng đắn, là giải pháp quan trọng trong ngăn ngừa dịch bệnh thời gian qua nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết: Tại cuộc họp tới, các nhóm địa phương nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp cũng sẽ được xem xét để điều chỉnh. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia báo cáo Thủ tướng về các nhóm nguy cơ này tại cuộc họp 22/4 để “chốt” lại. Nếu tình hình an toàn thì nhiều địa phương có thể được hạ thấp nguy cơ.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng huyện, xã, thậm chí thôn, bản, khu vực dân cư địa phương và có hình thức áp dụng các biện pháp phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh tại địa phương.
“Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, không được lơ là, chủ quan, thoả mãn”- Thủ tướng nhấn mạnh.