Doanh nghiệp là trọng tâm trong nâng cao năng suất, chất lượng ngành công nghiệp
Trong suốt gần 10 năm triển khai thực hiện Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp, Bộ Công Thương luôn xác định, doanh nghiệp (DN) chính là trọng tâm của các hoạt động triển khai và quyết định đến sự thành công của Dự án.
Doanh nghiệp là trọng tâm
Là một trong những dự án thuộc chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712) của Chính phủ, Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì đã được tích cực triển khai, hỗ trợ tại các doanh nghiệp ngành Công Thương.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp từng bước cải tiến năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.
Để triển khai Dự án đạt hiệu quả cao nhất, Bộ Công Thương đã xác định DN chính là trọng tâm của các hoạt động triển khai Dự án. Cùng với đó, về vấn đề chất lượng, nội dung ưu tiên của Bộ Công Thương là tập trung xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý sản phẩm hàng hóa của các cơ quan quản lý mà quan trọng hơn là một trong những định hướng quan trọng để cải tiến và đổi mới công nghệ cho DN.
Trong việc tăng năng suất, Bộ Công Thương chủ trương ưu tiên triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống về nâng cao năng suất tại DN. Để giúp DN có cái nhìn trực quan về lợi ích từ việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, Bộ Công Thương đã tập trung hỗ trợ DN triển khai các mô hình điểm, hỗ trợ DN áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến.
Nhờ đó, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp từng bước cải tiến năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.
Năng suất tăng cao
Một trong những doanh nghiệp đã rất thành công nhờ sự hỗ trợ từ Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp là Công ty cổ phần May Nam Hà. Công ty đã đặt ra chiến lược và các mục tiêu cải tiến năng suất chất lượng của từng giai đoạn, làm định hướng cho các hoạt động cải tiến năng suất chất lượng tiếp theo.
May Nam Hà đã áp dụng cải tiến nhiều khâu, đơn cử là khâu cải tiến hiệu quả máy móc, thiết bị, trong đó bao gồm 3 nội dung cụ thể là: đào tạo kỹ năng công nhân trong vận hành, khắc phục lỗi thiết bị; chuẩn bị sẵn sàng thiết bị tốt hơn để rút ngắn thời gian vào mã hàng mới; khai thác hệ thống chuyền treo thông minh.
Đồng thời, Công ty đã lập các hướng dẫn khắc phục các lỗi thông thường; quy định các bảo dưỡng, vệ sinh tự chủ và đào tạo công nhân vận hành, bảo dưỡng, khắc phục các lỗi nhỏ; cung cấp sẵn sàng các dụng cụ vệ sinh, khắc phục lỗi nhằm hạn chế tối đa sự cố, hỏng hóc xảy ra...
Nhờ những biện pháp cải tiến đông bộ, năng suất của Công ty đã không ngừng tăng trưởng, chỉ tính trong năm 2019, năng suất của May Nam Hà đã tăng 23%.
Cũng là một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Đức đã thành công trong nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty đã tối ưu hóa năng lực sáng tạo, cải tiến công nghệ; dây chuyền công nghệ được đầu tư 100% hiện đại và tiên tiến bậc nhất tại Việt Nam hiện nay; đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015, hệ thống 5S... trong quản lý. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm thép Việt Đức trên thị trường.