Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhờ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm
Trong những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" (Chương trình 712), nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Qua đó, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao năng suất, chất lượng là tất yếu
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là điều tất yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp để tồn tại và phát triển trên thương trường. Để làm được điều đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường ngày càng mở rộng, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua việc thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thực tế triển khai Chương trình 712 của Chính phủ thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp khi triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các hệ thống tiêu chuẩn, công cụ như: ISO, Lean/Kaizen, 5S... đã có thể cải thiện năng suất tăng từ 15-20%.
Điều quan trọng để nhân rộng việc nâng cao năng suất chất lượng trong cộng đồng doanh nghiệp là nâng cao nhận thức về sự cần thiết cải tiến năng suất của lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sự tham gia của từng cá nhân trong mỗi doanh nghiệp. Từ đó, tạo hiệu ứng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như hiện nay.
Hiệu quả kinh doanh tăng cao
Chương trình 712 với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đã giúp cho nhiều doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ qua đó tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu và thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Một trong những doanh nghiệp điển hình trong nâng cao năng suất chất lượng thời gian qua là Công ty Cổ phần Dây cáp điện Thượng Đình CADI-SUN. Từ khi thành lập đến nay, Công ty luôn nỗ lực không ngừng áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng quốc gia trong lĩnh vực kinh doanh, từ đó thúc đẩy năng suất đi đôi với xây dựng và phát triển thương hiệu.
Từ một xưởng sản xuất nhỏ, đến nay, sản phẩm của Công ty đã chiếm hơn 36% thị phần dây cáp điện Miền Bắc, 17% thị phần Miền Trung, 5-8% thị trường miền Nam. Thương hiệu CADI-SUN ngày càng nhận được sự tin tưởng của khách hàng trong nước và dần mở rộng thị trường quốc tế.
Một doanh nghiệp điển hình khác phải nhắc đến là Công ty TNHH Nhôm Đông Á. Với phương châm “Dựa vào chất lượng để sinh tồn, dựa vào uy tín để phát triển, dựa vào qui mô để lập thương hiệu”, Nhôm Đông Á luôn chú trọng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm nhôm do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam ban hành như: QCVN 16: 2014/BXD; TCVN ISO 9001: 2008; ISO 6362 – 1:2012, ISO 6362 – 2:2012, ISO 6362 – 3: 2012, ISO 6362 – 4:2012... và được thông qua Chứng nhận Qualicoat của EU.
Nhờ đó, Công ty TNHH Nhôm Đông Á đã khẳng định vị thế là một trong những nhà máy sản xuất hiện đại, quy mô lớn về sản xuất nhôm thanh định hình tại Việt Nam với sản lượng thường xuyên hàng nghìn tấn sản phẩm gia công xuất khẩu cũng như hàng bán nội địa/tháng. Các sản phẩm của công ty không chỉ được tiêu thụ mạnh tại thị trường Việt Nam, mà còn được xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Canada, Úc và Châu Âu.
Cũng chú trọng cải tiến về năng suất chất lượng, Công ty cổ phần thép Việt Đức đã không ngừng cải tiến về công nghệ sản xuất như đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất ống thép, tôn cán nguội, tôn mạ kẽm hiện đại. Cùng với đó là áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015, hệ thống 5S... trong quản lý. Việc chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng kịp thời đã giúp Thép Việt Đức nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến năng suất, giúp hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao, giảm được chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh...