Doanh nghiệp lạc quan trong gian khó
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động ngay trong quý I. Tuy vậy, kết quả nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy, trong gian khó, không ít DN vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, tin tưởng vào những giải pháp tổng thể được Chính phủ thực hiện có hiệu quả, đồng thời có những thay đổi linh hoạt và chuẩn bị để sẵn sàng đón bắt cơ hội bật lên sau đại dịch. Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Ảnh: Lê Tiên
Linh hoạt thích ứng
Đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới các lĩnh vực trọng điểm của ngành, Bộ Công Thương cho rằng, dệt may là một trong những ngành chịu tác động kép của dịch do đứt nguồn cung nguyên liệu và khách mua liên tục giãn, hoãn đơn hàng. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên trong tháng 4/2020, Tổng công ty sẽ thiếu hụt gần 30% đơn hàng, còn tháng 5 và tháng 6 thiếu hụt khoảng 60% do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Để chủ động thích ứng, ông Việt cho biết, thời gian qua, Tổng công ty đã mạnh dạn chuyển đổi sang may khẩu trang vải phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cùng với Tổng công ty May 10, nhiều DN dệt may của Việt Nam khác cũng đã có sự chuyển đổi sản phẩm và đã có đơn hàng xuất khẩu…
Chỉ tính riêng 50 DN đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là khoảng trên 200 triệu chiếc mỗi tháng. Với sự chuyển đổi linh hoạt của các DN dệt may thời gian qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới.
Cũng đang chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh khi thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn việc và sản lượng công việc của nhiều DN xây dựng trong quý I năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nhiều lãnh đạo nhiều DN xây dựng vẫn lạc quan. Theo chia sẻ của một DN chuyên thi công công trình chiếu sáng, dịch bệnh không thể kéo dài mãi, khi dịch bệnh qua đi, các DN sẽ phục hồi, hoạt động kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ…
Về sản xuất kinh doanh ngành xây dựng, kết quả khảo sát trên 6.600 DN do Tổng cục Thống kê thực hiện cuối tháng 3/2020 cũng cho thấy, các DN dự báo, quý II tình tình hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khả quan hơn. Có 53,1% doanh nghiệp dự báo tình hình giữ ổn định và tốt hơn, có 46,9% dự báo khó khăn hơn.
Kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh đối với ngành chế biến, chế tạo cũng cho thấy những cái nhìn lạc quan khi có 38,8% số DN đánh giá xu hướng kinh doanh quý II/2020 dự kiến sẽ tốt lên so với quý I/2020.
Cảm nhận về tinh thần của doanh nghiệp, trong một chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, dịch bệnh kéo theo nhiều khó khăn, nhưng tâm lý cộng đồng DN chưa có sự xáo trộn lớn như giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới trước đây. “Chúng ta đang thấy có sự bình tĩnh, chia sẻ thẳng thắn để cùng vượt qua biến động. Đây là khác biệt căn bản nhất so với giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới”, ông Dương cho biết.
Theo ông Dương, việc cộng đồng DN có kỳ vọng, niềm tin vào chính sách hiện nay cùng với việc Chính phủ đang thực hiện tổng thể nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn cho DN đã cho thấy Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ cùng DN, không chỉ trong giai đoạn kinh tế phát triển thuận lợi.
Bồi đắp niềm tin
Nhìn vào thực tiễn môi trường kinh doanh, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận xét, trong khó khăn, các DN Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa có sức sống dẻo dai, không ngại khó khăn, luôn đổi mới sáng tạo. Lãnh đạo Hiệp hội này tin tưởng, DN Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn và phục hồi tốt sau dịch bệnh. Thực tế cho thấy, để thích ứng khó khăn do dịch gây ra, nhiều DN Việt Nam đã có những cách làm mới, linh hoạt kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu, chờ cơ hội bứt lên.
Và để lắng nghe tiếng nói của DN, dự kiến, cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ trì một Hội nghị với DN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19. Dự kiến, Hội nghị sẽ đưa ra thông điệp của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục phục hồi sản xuất; khơi dậy khát vọng, tinh thần yêu nước của mọi thành phần kinh tế, vừa phát triển doanh nghiệp, vừa cùng chung sức, đồng lòng phát triển đất nước…
Chia sẻ về quan điểm tái khởi động nền kinh tế sau dịch Covid-19, đại diện cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong ít các quốc gia khống chế tốt dịch bệnh và có điều kiện dỡ bỏ sớm các biện pháp cách ly, tái khởi động nền kinh tế. Việc nới lỏng dần giãn cách xã hội, tái khởi động lại một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sẽ giúp các DN tái khởi động và trong nhiều trường hợp, có thể không cần tới "máy trợ thở" về tài chính.
Một giải pháp khác để tiếp thêm “oxy” cho DN trong lúc này được người đứng đầu cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhấn mạnh là phải tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất nhằm gỡ bỏ các rào cản cho DN. “Cải cách những quy định gây khó DN, chống “virus trì trệ” không cần dùng tới tiền ngân sách, nhưng đây là cách hỗ trợ thiết thực, tiếp thêm “oxy” cho DN vượt qua ảnh hưởng của đại dịch cũng như phát triển mạnh mẽ giai đoạn tới”, ông Lộc tin tưởng.