Doanh nghiệp ngoại đẩy mạnh tìm nhà cung cấp nội để tối ưu hóa chi phí

Theo Thanh Thanh/congthuong.vn

hời gian gần đây nhiều tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Bosch, Panasonic, Schindler, ABB, Techtronic Industries, Nextern, Rawlplug, Nipro… đang đẩy mạnh tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục đặt hàng lên đến hàng trăm chi tiết linh kiện để tối ưu hóa chi phí, đa dạng nguồn cung ứng trong bối cảnh đẩy mạnh phục hồi sản xuất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp ngoại đẩy mạnh tìm nhà cung cấp

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghiệp hỗ trợ thuộc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện có nhiều tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ngoài các tập đoàn lớn như đã thiết lập các nhà cung ứng nội địa nhiều năm qua như Samsung, TTI, Panasonics, Bosch, Schindler… thì hiện nay những DN từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật... như Arevo, ABB, Fujikura Fiber Optics, Mabuchi Motor, Premo, Lixil, Einhell… cũng đẩy mạnh tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa để có thể chủ động sản xuất trong bối cảnh bình thường mới.

Những tập đoàn này có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp trong nước thuộc các ngành nghề như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot, tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp… với danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện các loại.

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh - cho biết, do bị đứt nguồn cung vì dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam đã tìm đến doanh nghiệp (DN) cung cấp trong nước để thay thế và nhằm tối ưu chi phí sản xuất. Nhằm nắm bắt cơ hội này, Duy Khanh cũng đang đầu tư một nhà máy mới ở Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào năm tới. Với dự án này, hiện một số tập đoàn lớn của nước ngoài cũng đã tìm đến Duy Khanh để tìm hiểu khả năng cung ứng trong thời gian tới.

Đến nay, các DN nước ngoài đã kết nối, tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho những tập đoàn sản xuất lớn. Một số DN điển hình như Hiệp Phước Thành, Nhật Minh, Duy Khanh, Tiến Thịnh… đã có nhiều đơn hàng, cung ứng cho nhiều nhà sản xuất lớn và đang tìm thêm mặt bằng để mở thêm nhà máy, tận dụng cơ hội phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu.

Nâng tầm nhà cung cấp nội

Đa số DN CNHT tại TP.. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành khu vực miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương tự tin về trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng nắm bắt kỹ thuật mới nhưng đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cho sản xuất CNHT công nghệ cao.

Theo các DN, vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, thường tương đương vốn đầu tư đất đai, nhà xưởng nên đa số DN không đáp ứng được. Việc kết hợp giữa DN CNHT với các nhà sản xuất có quy mô lớn, công nghệ cao không đơn giản và mất nhiều thời gian để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa tại các DN sản xuất nước ngoài. Quá trình này đòi hỏi Nhà nước hỗ trợ nhưng DN trong nước phải tự thân vận động và những tập đoàn lớn trong vai trò nhà mua hàng cần có sự chia sẻ, liên kết.

Thực tế, dù khuyến khích DN đầu tư vào ngành này, song nhiều năm qua, số lượng DN trong ngành tiếp cận được với sự hỗ trợ thiết thực còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do nhiều chính sách chưa “chạm” được đến nhu cầu thực sự của DN, hoặc thủ tục còn rườm rà, khó khăn. Do đó, ngoài việc khuyến khích cần những chính sách hỗ trợ phát triển cho ngành CNHT hỗ trợ “sát sườn” hơn, thủ tục linh hoạt và minh bạch hơn. Cũng như mọi DN khác, DN đầu tư ngành CNHT cũng cần những chính sách trợ lực cụ thể về thủ tục, lãi suất, nguồn vốn, thuế, đất đai…

Ngoài ra, DN cũng cần đến chính sách kết nối trong tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, cần hỗ trợ các DN phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước thuộc các ngành CNHT bằng cách tạo kênh kết nối trực tiếp cung - cầu sản phẩm giữa các DN, giới thiệu đơn vị sản xuất CNHT tham gia chuỗi cung ứng của DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước và DN nước ngoài.

Tại TP. Hồ Chí Minh, đến nay nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đã cho thuê đất được 30 năm, thời hạn hợp đồng còn lại không còn nhiều, vì thế thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp tục hoạt động đối với các DN ưu tiên thay đổi công nghệ để DN trở thành đầu đàn trong lĩnh vực sản xuất CNHT và sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó là nghiên cứu thêm cơ chế chính sách về đất đai, thuế, hải quan, thủ tục, kích cầu… để làm sao có thể hỗ trợ đến 200 tỉ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ thiết kế, sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế thành phố.

Mới đây, Trung tâm phát triển Công nghiệp hỗ trợ (Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh) đã phối hợp với Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (Visa) tổ chức hội nghị kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước theo hình thức trực tuyến. Các doanh nghiệp tham gia sẽ tự giới thiệu khả năng năng lực, nhu cầu, mong muốn của mình nếu phù hợp sẽ tiến tới hợp tác lâu dài.