Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn gì khi áp dụng nhiều hệ thống quản lý?

Tĩnh Đồng

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ gặp phải những khó khăn khi áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, nhất là khi thực hiện nhiều hệ thống quản lý, công cụ cùng lúc.

Thời gian để triển khai mô hình tích hợp cần tùy thuộc vào quy mô và hiện trạng của doanh nghiệp
Thời gian để triển khai mô hình tích hợp cần tùy thuộc vào quy mô và hiện trạng của doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay là các nhà cung cấp cho các doanh nghiệp lớn hơn. Điều đó có nghĩa là, các doanh nghiệp này cũng chịu áp lực đáp ứng các yêu cầu khác nhau từ chuỗi cung ứng, ví dụ về chất lượng, môi trường, an toàn - sức khỏe nghề nghiệp, an toàn thông tin, an toàn thực phẩm…

Trong nhiều trường hợp, các yêu cầu này chỉ có thể được đáp ứng bằng cách thực hiện một hệ thống quản lý tương ứng và được đánh giá cấp chứng nhận. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải thực hiện nhiều hơn một hệ thống quản lý để duy trì đáp ứng yêu cầu khách hàng.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ gặp phải những khó khăn nhất định khi thực hiện các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, nhất là khi thực hiện nhiều hệ thống quản lý, công cụ cùng lúc.

Vừa qua, 10 doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa tại khu vực miền Trung đã được hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thông qua áp dụng tích hợp hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

Cụ thể, các doanh nghiệp được đào tạo, hướng dẫn áp dụng tích hợp hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 với 1 hệ thống quản lý khác như ISO 22000, ISO 14001, ISO/IEC 5 27001… và áp dụng 1 công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, 7 công cụ kiểm soát chất lượng, MFCA, TWI, TPM, Lean, KPI… phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, các doanh nghiệp đã xây dựng được cách thức, phương pháp áp dụng, phục vụ cho định hướng và kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Các nhóm tham gia vào dự án tại các doanh nghiệp là nguồn nhân lực được đào tạo và trang bị kiến thức, kinh nghiệm áp dụng các hệ thống, công cụ.

Các nhóm tham gia được đào tạo, hướng dẫn thực hành sẽ là nòng cốt để nhân rộng mô hình tại chính các doanh nghiệp đã áp dụng điểm, đồng thời tiếp tục học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác có quan tâm.

Dự án cải tiến đối khi quá sức với các nhóm triển khai

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn nhân sự có chất lượng tham gia mô hình tích hợp và nhóm cải tiến
Doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn nhân sự có chất lượng tham gia mô hình tích hợp và nhóm cải tiến

Để triển khai mô hình tích hợp hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, doanh nghiệp cần có một đội ngũ cán bộ nhân viên được đào tạo căn bản về các kỹ thuật thu thập, phân tích thông tin dữ liệu, các công cụ cho từng trường hợp phân tích, cải tiến vấn đề gặp phải.

Trong khuôn khổ của dự án, hoạt động đào tạo các vấn đề này chưa được thực hiện một cách chuyên sâu. Vì vậy, quá trình thực hiện các dự án cải tiến thường gặp nhiều khó khăn, đôi khi là quá sức đối với các nhóm triển khai.

Cạnh đó, cấp quản lý trực tiếp, tổ trưởng các bộ phận sản xuất chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng và hiểu về hệ thống tích hợp. Thời gian và nguồn lực sẵn có đối với các doanh nghiệp là chưa nhiều để có thể toàn lực trong việc triển khai dự án, dẫn đến việc triển khai mô hình tích hợp hệ thống và công cụ cải tiến bị chậm trễ so với kế hoạch ban đầu.

Các chuyên gia năng suất, chất lượng đánh giá, về cơ bản các hệ thống, công cụ cải tiến thực sự mang lại hiệu quả bằng các số liệu cụ thể là không thể phủ nhận.

Vì vậy, doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các mô hình áp dụng tích hợp hệ thống quản lý và công cụ cải tiến ở diện rộng hơn, làm cơ sở cho việc đúc kết, chia sẻ kết quả, thông tin kinh nghiệm và thúc đẩy áp dụng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Cần tổ chức các hội thảo chia sẻ kết quả và kinh nghiệm áp dụng, trong đó nên có chia sẻ trực tiếp từ lãnh đạo doanh nghiệp áp dụng thành công các hệ thống, công cụ này. Qua đó sẽ giúp tuyên truyền, phổ biến và thúc đẩy các doanh nghiệp khác quan tâm, lựa chọn áp dụng một cách nhanh, thuyết phục nhất.

Việc lựa chọn nhân sự có năng lực phù hợp với chủ đề của dự án cải tiến, có tâm huyết, có tư duy tích cực, không ngại khó, sẵn sàng đối đầu với khó khăn trong quá trình triển khai là một trong những yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn nhân sự có chất lượng tham gia mô hình tích hợp và nhóm cải tiến.

Thời gian để triển khai mô hình tích hợp cần tùy thuộc vào quy mô và hiện trạng của doanh nghiệp.