Doanh nghiệp rốt ráo tìm phương kế giữ vị thế xuất khẩu
Từ những tháng cuối năm nay, doanh nghiệp Việt Nam có thể “ngấm” ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu, biến động tỷ giá khiến đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.
Những ngày qua, một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đã phải có phương án cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm do thiếu đơn hàng sản xuất. Một số ngành nghề khác, tuy chưa đến mức như vậy nhưng cũng đã ghi nhận tình trạng giảm đơn hàng xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: do ảnh hưởng của dịch bệnh nên xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường lớn của rau quả Việt Nam bị sụt giảm mạnh trong khi các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%. Đây được xem là điểm sáng của ngành do các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các FTA để đa dạng hoá thị trường, đưa rau quả xuất khẩu vào những thị trường mới.
Tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, chuyển hướng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng cường xúc tiến thương mại... là những biện pháp được các doanh nghiệp rốt ráo thực hiện trước tình hình xuất khẩu còn nhiều khó khăndo tác động bất lợi của địa chính trị thế giới, lạm phát toàn cầu, biến động tỷ giá.
Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: trước thực trạng trên, các doanh nghiệp trong ngành đã khai thác tốt FTA thế hệ mới như CPTPP đẩy mạnh xuất khẩu các thị trường Canada, Mehico… với nền kinh tế phát triển ổn định, biến động tiền tệ ít hơn và nhu cầu tiêu dùng lớn. Trong đó, hiện Mexico là nước nhập khẩu cá tra Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới, trở thành thị trường xuất khẩu mới nhiều tiềm năng.
“Hiện nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang các nước trong CPTPP chiếm 25%. Trong khi hiệp định EVFTA hiện đang vướng rào cản kỹ thuật thì CPTPP hoàn toàn rộng mở và được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả, nhất là trong bối cảnh biến động tỷ giá như hiện nay” - bà Lê Hằng thông tin thêm.
Đánh giá thêm về các thị trường xuất khẩu mới, bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ở khu vực châu Mỹ có mức tăng trưởng hết sức ấn tượng, tăng từ 75% tới hơn 100% tuỳ từng nước, góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó, các mặt hàng có gia tăng xuất khẩu tốt là nhóm điện thoại và linh kiện, điện tử và máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dệt may, da giày nhờ lợi thế thuế quan giảm từ 10 - 20% so với các nước.
Cũng theo bà Võ Hồng Anh, từ năm nay, Canada cam kết xoá bỏ thuế về 0% với ngành dệt may nên 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mặt hàng dệt may sang thị trường Canada đã tăng trưởng tới trên 50% so với cùng kỳ năm 2021. Không chỉ mang đến cơ hội cho ngành dệt may, các ngành hàng tiêu dùng khác cũng có lợi thế do Canada phụ thuộc vào nhập khẩu, dân nhập cư đông, dung lượng nhập khẩu có thể lên đến 500 tỷ USD/năm. Ngoài ra, cùng với Mehico, Canada với hệ thống logistic nội địa khá tốt nhờ hệ thống đường sắt vận chuyển phát triển được xem là cửa ngõ đưa hàng hoá Việt Nam vào khu vực Bắc và Trung Mỹ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hồ tiêu đang tính đến việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, châu Phi. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đến nay hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm hơn 14%, quế chiếm hơn 4% thị phần khu vực Trung Đông và chiếm lần lượt gần 6%, 4% thị phần tại châu Phi.
Bên cạnh những thuận lợi trên, xuất khẩu sang các thị trường mới, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cùng với những điều kiện khá khắt khe về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm hay các điều khoản liên quan đến môi trường, lao động, phát triển bền vững… Bà Võ Hồng Anh chia sẻ: mới đây Canada có quy định yêu cầu không sử dụng bao bì nhựa dùng một lần nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý. Về lâu dài cần có phương án liên kết, hợp tác thúc đẩy xuất khẩu bởi đặc thù của 4 nước CPTPP tại khu vực châu Mỹ là có độ mở nền kinh tế tương đối cao, Canada có tới 15 FTA, hay Chile có tới 29 FTA…
Đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ cho rằng, các doanh nghiệp trong nước có thể xem xét hợp tác sản xuất kinh doanh, xuất khẩu nguyên phụ liệu sang Mexico, sau đó cùng hợp tác sản xuất và hoàn thiện sản phẩm để tiếp tục xuất khẩu sang một nước khác mà Mexico có FTA. Với điều kiện chúng ta đáp ứng được quy tắc về mặt xuất xứ của các FTA đó thì sẽ có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan với nước thứ 3. Các doanh nghiệp cũng có thể xem xét thúc đẩy hợp tác với các hệ thống phân phối, chuỗi siêu thị tại khu vực.
Xét về tổng thể, hiện nay chúng ta đang có nhiều lợi thế hơn là khó khăn, thậm chí có những sản phẩm hàng hóa Việt Nam có lợi thế gần như tuyệt đối với ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững, chủ động ứng phó với những khó khăn có thể đến trong tương lai không xa, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh hơn vừa tranh thủ tận dụng mọi cơ hội ở thời điểm hiện tại; đồng thời chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, chuyển đổi sản xuất xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn...