Doanh nghiệp thiếu chủ động trong tham gia xây dựng pháp luật: “Tại anh, tại ả”!

Theo kinhtevadubao.vn

Nhiều doanh nghiệp phó mặc vấn đề xây dựng pháp luật cho Nhà nước, hoặc nếu được hỏi ý kiến thì chỉ góp ý cho có, nên phổ biến tình trạng hiện nay là doanh nghiệp không biết đến nhiều chính sách mới, hoặc biết quá chậm khi chính sách đã được ban hành và đi vào thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Làm sao để doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật? Vấn đề này được thảo luận tại Hội nghị giao ban Pháp chế doanh nghiệp năm 2016 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 27/9 tại Hà Nội.

Tại anh, tại ả…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, hiện hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều hạn chế, thiếu tính đồng bộ, minh bạch, khả thi và đặc biệt là thiếu tính ổn định, trong đó pháp luật về kinh tế bị thay đổi liên tục. Chẳng hạn, Luật về Đầu tư, Luật về Doanh nghiệp mới ban hành năm 2014 nhưng bây giờ lại sửa đổi.

Cùng với đó, việc cải cách hành chính chậm, phiền hà; trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền chưa quy định rõ; kỷ cương, kỷ luật trong thực thi quản lý Nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém.

Những tồn tại này, theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, là rào cản lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và xã hội.

Về nguyên nhân tạo nên rào cản trên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chỉ rõ là do từ hai phía, từ phía nhà làm luật và cả phía doanh nghiệp. Đó là:

Thứ nhất, do chưa xây dựng được chính sách rõ ràng đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chưa đặt ra được các chỉ số rõ ràng trong thẩm tra, thẩm định dự thảo văn bản.

Chưa phát huy được cơ chế cộng đồng, sự tham gia của doanh nghiệp và người dân (là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách) vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có nhấn mạnh tầm quan trọng việc lấy ý kiến của cộng đồng, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản trong quá trình xây dựng văn bản pháp quy.

Thực tế thì các cơ quan chủ trì xây dựng các dự án, dự thảo văn bản pháp quy cũng rất quan tâm lấy ý kiến cộng đồng, nhưng hiệu quả không cao.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản pháp luật, khi tổ chức xin ý kiến thì người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm, nếu nêu ý kiến cũng còn mang tính hình thức.

Thứ trưởng cũng chỉ rõ, có tình trạng, có thể có doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tiếp thu nghiêm túc và chưa phản hồi, chưa giải trình cụ thể về việc tiếp thu ý kiến đó đến đâu.

“Điều đó dẫn tới nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa ban hành, nhưng đã phát hiện nhiều bất cập, thậm chí mới ban hành đã phải dừng thực thi”, Thứ trưởng nói.

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Hiếu, ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, còn nhiều bất cập trong cơ chế lấy ý kiến doanh nghiệp trong xây dựng văn bản pháp quy.

Cụ thể, cơ chế xin ý kiến này còn hình thức, chung chung, thậm chí có những dự thảo gửi lấy ý kiến trong thời gian gấp, khiến cho doanh nghiệp góp ý một cách khiên cưỡng hoặc không có ý kiến… khiến nhiều đạo luật vừa ra đời đã thiếu thực tế, khó thực thì và phải sửa đổi, bổ sung.

Đồng quan điểm này, bà Phan Minh Thủy, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam còn bổ sung, dự thảo thường đồ sộ, quy định nhiều vấn đề, nhưng thời gian gửi dự thảo lấy ý kiến lại gấp gáp; hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến của nhiều dự án không đầy đủ, sơ sài, thiếu các thông tin cần thiết.

Chính vì vậy, việc phản hồi đóng góp ý kiến đa phần là chậm so với yêu cầu của cơ quan soạn thảo; chất lượng ý kiến đóng góp chưa cao, nhất là với những vấn đề mới, phức tạp.

Bên cạnh đó, việc tiếp thu ý kiến đóng góp chưa thực hiện nghiêm túc.

Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cũng cho rằng, thực tế lãnh đạo nhiều doanh nghiệp sau khi nhận được yêu cầu góp ý cho dự án văn bản quy phạm pháp luật cũng chuyển đến các bộ phận lấy ý kiến, song việc tổ chức đọc tư liệu và góp ý của đơn vị cơ sở còn hời hợt.

Cơ quan soạn thảo sau khi nhận được góp ý cũng ít khi phản hồi lại. Do vậy, người góp ý cũng cảm thấy không biết ý kiến được ghi nhận hay không, nên nghĩ ý kiến của mình không quan trọng.

Đổi mới cách làm để thu hút doanh nghiệp tham gia

Thực trạng doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật khiến việc thu thập đóng góp ý kiến, phản hồi về các dự thảo luật liên quan đến doanh nghiệp trở nên hình thức. Do vậy, muốn thúc đẩy khối doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật cần có những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã hiến kế cải thiện tình hình. Chẳng hạn, theo bà Lại Thị Vân Anh, Trưởng phòng Pháp luật đầu tư vay nước ngoài và bão lãnh Chính phủ, Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp), nên hạn chế in bản cứng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chỉ cần gửi bản mềm qua email, hoặc tải tài liệu lên cổng thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo. Từ đó, các doanh nghiệp, luật sư sẽ dễ dàng truy cập và đóng góp ý kiến và nên có quy định về thời gian phản hồi cụ thể.

Đặc biệt, nhiều đại biểu cho rằng, chỉ nên gửi những tài liệu liên quan lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động để có được đóng góp sát sườn nhất. Đồng thời, cần phải minh bạch ý kiến, thông tin đóng góp cho dự thảo.

Ông Nguyễn Hữu Khoa, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, cần thành lập cổng thông tin điện tử chung để tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ngược lại cần làm tốt công tác phản hồi các ý kiến của người đóng góp ý kiến có được tiếp thu hay không.

“Nếu làm tốt công tác này, nhất định doanh nghiệp sẽ chủ động tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật”, ông Khoa tin tưởng.