Bỏ ngỏ quản lý chất lượng vàng trang sức
Câu chuyện vàng trang sức không đủ “tuổi” được giao dịch phổ biến trên thị trường đã không còn là chuyện hiếm. Con số 25% vi phạm trong tổng số hơn 1.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức được thanh tra, kiểm tra vừa qua mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Vàng “kém tuổi” tràn lan thị trường
Theo kết quả mới nhất vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố, năm 2015, các sở KH&CN của 51/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.718 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng, mỹ nghệ và phát hiện có tới 432 cơ sở (25%) vi phạm.
Chủ yếu là những vi phạm như ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, sử dụng cân không kiểm định, cân không đạt yêu cầu về đo lường, cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp chính xác, hàm lượng vàng không đạt theo công bố.
Các mặt hàng không đáp ứng tiêu chuẩn chủ yếu là loại vàng trang sức, mỹ nghệ. Cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 4.000 mẫu, tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu và xử phạt số tiền gần 200 triệu đồng.
Từ đầu năm đến tháng 8/2016, các Sở KH&CN thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện hơn 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn mác vàng theo quy định với số tiền xử phạt gần 1,6 tỷ đồng.
Gian lận được nhắc tới nhiều nhất trong kinh doanh vàng trang sức là bán hàng kém “tuổi” vàng để hưởng chênh lệch. Mặc dù báo cho khách vàng 18K, tức 7,5 “tuổi” nhưng thực tế khi khách hàng mua về sử dụng hoặc có nhu cầu đem bán lại, qua kiểm tra vàng chỉ có 6-6,5 tuổi.
Cả nước hiện có hơn 10.000 đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh nữ trang, trong đó nhiều đơn vị làm gia công nhỏ tại nhà, không đăng ký kinh doanh, các cơ sở, làng nghề.
Ngoài một số những doanh nghiệp lớn, có uy tín, vàng trang sức được bán ra đã qua kiểm nghiệm, cân đong rõ ràng, phần lớn những sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ hiện nay không được kiểm chứng về chất lượng, người mua phải trả giá theo công bố “tuổi” vàng của bên bán mà không có sự kiểm soát.
Cần quản lý từ gốc
Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ mới đây, Bộ KH&CN cho rằng: “Cách quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ như hiện nay tập trung quản lý phần ngọn (lưu thông) mà không quản lý từ gốc (sản xuất, nhập khẩu). Trong khi đó, nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm phải quản lý từ gốc”.
Từ thực tế này, Bộ KH&CN đã kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, trong đó quy định quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức cho biết, phần lớn các cửa hàng vàng nhỏ lẻ lấy từ các đại lý, doanh nghiệp được nhà nước cấp phép chế tác vàng trang sức, mỹ nghệ. Vì thế, bên cạnh sửa đổi các quy định kiểm soát chất lượng phù hợp với thị trường, cần kiểm tra, giám sát chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất đầu mối.
Được biết, Bộ KH&CN đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó bổ sung thêm các hành vi vi phạm về lưu thông vàng trang sức và mỹ nghệ.
Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi mua vàng, nhất là các mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ, trong khoảng tháng 10-11/2016, Công ty kiểm định vàng bạc, đá quý Việt Nam sẽ đi vào hoạt động.