Cải cách thủ tục hành chính thuế:
Doanh nghiệp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm
Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp (DN) lớn các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ về tác động của việc cải cách thủ tục hành chính thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cho thấy nhờ cải cách thủ tục hành chính của ngành Thuế, mà DN đã tiết kiệm chi phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Giảm nhiều chi phí không cần thiết
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - VNR), DN đóng trên địa bàn tỉnh Bình Phước cho biết, do địa bàn của công ty khá rộng, trải dài trên 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, 2 huyện và 1 thị xã với khoảng hơn 9.700 ha, gần 5.000 công nhân lao động, vì thế chi phí cố định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là khá lớn.
Theo tính toán của ông Bình, nhờ cải cách thủ tục hành chính thuế, nên DN đã giảm rất nhiều chi phí không cần thiết. “Trước đây công ty phải bố trí một kế toán chuyên làm nhiệm vụ khai và nộp thuế, thì hiện nay không cần nữa vì thủ tục khai thuế đã rất đơn giản. DN cũng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng từ các khoản chi phí không cần thiết khác như: Chi phí đi lại, chi phí in ấn tài liệu, lưu trữ và bảo quản tài liệu phục vụ cho việc nộp thuế…”, ông Bình cho hay.
Cùng chung quan điểm với ông Bình, ông Đoàn Tư - Kế toán trưởng Công ty CP Dệt may Huế cũng cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính thuế không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, mà còn giảm được rất nhiều chi phí, tập trung thời gian cho sản xuất, kinh doanh.
Ông Tư nói: “Trước đây DN phải viết ủy nhiệm chi, sau đó đến ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản và chờ đợi thông báo từ kho bạc về việc hoàn tất thủ tục nộp thuế, thì nay chỉ vài thao tác trên máy tính, đợi vài phút hệ thống tự động gửi thông báo, việc nộp thuế đã thành công. Nhờ ngành Thuế cải cách thủ tục hành chính mà DN có thể dễ dàng cân đối kịp thời các khoản thuế và nộp thuế đúng hạn”.
Ông Pawalit Amornwanit - Kế toán trưởng Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam, DN đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết: “Từ khi triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, công ty đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại để thực hiện nghĩa vụ thuế. Chúng tôi có 60 chi nhánh trên toàn quốc, mỗi chi nhánh là một mã số thuế. Nhờ có cải cách thủ tục hành chính thuế mà 60 chi nhánh này có thể tiết kiệm được cả chục tỷ đồng mỗi năm”.
Nhiều doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử
Bà Nguyễn Minh Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sơn Thành, DN chuyên chế biến hạt điều tại Bình Phước cho biết, do thói quen trước đây khi thực hiện nghĩa vụ thuế đều có chứng từ, sổ sách nên phần nào DN yên tâm.
Nhưng nộp thuế điện tử thì chỉ cần vài thao tác là tiền đã chuyển đi, vì thế ban đầu DN có phần e dè. “Lúc đầu chúng tôi rất lo lắng, sợ nếu nhầm lẫn thì chỉ một cái nhấp chuột là mất tiền như chơi. Nhưng sau khi dự lớp tập huấn do cơ quan thuế và ngân hàng tổ chức, chúng tôi đã yên tâm đăng ký và nộp thuế bằng hình thức điện tử. Đến giờ, sau một thời gian thực hiện, chúng tôi thấy vô cùng thuận lợi, vừa nhanh gọn, lại hạn chế được việc chậm trễ nộp thuế dẫn đến bị phạt”, bà Thành nói.
Ông Hoàng Nguyễn Anh Vũ - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Chi nhánh Bình Phước) cho biết, ban đầu DN rất e ngại với dịch vụ nộp thuế điện tử, họ nghĩ rằng nộp thuế qua hình thức này không an toàn. Nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, phối hợp với cơ quan thuế mời DN đến tập huấn, qua đó có thể giải đáp tất cả những thắc mắc, những lo ngại của DN, nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều DN đã hưởng ứng và đăng ký nộp thuế điện tử.
Đến nay gần như các DN có tài khoản giao dịch tại Sacombank Bình Phước đều đăng ký nộp thuế điện tử. Nhiều DN nước ngoài trước đó chưa có tài khoản giao dịch tại Sacombank cũng tham gia mở tài khoản để nộp thuế điện tử. Thống kê đến 25/11 đã có khoảng hơn 1.000 DN đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử”, ông Vũ nói.
"Với 450.000 DN nộp thuế hiện nay trên cả nước, mỗi DN giảm được hơn 200 giờ kê khai, nộp thuế/năm thì cả nước sẽ giảm được gần 120 triệu giờ kê khai, nộp thuế/năm cho các DN, tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, cái được lớn nhất là DN không phải mất những chi phí không chính thức, tập trung nguồn lực cho sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ cũng sẽ kéo theo các ngành khác, lĩnh vực khác cũng buộc phải loại bỏ các thủ tục rườm rà, nền kinh tế nhờ đó mà tăng tốc".
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam