Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh trước áp lực thiếu các đơn hàng mới
Đó là kết quả khảo sát các khó khăn của doanh nghiệp quý I/2025 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, trong quý I/2025, kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng hơn 7,51% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 316.600 tỷ đồng, tăng 14,2%, cho thấy sức mua và nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng cao. Xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 11,7 tỷ USD (tăng 5,55%), nhập khẩu khoảng 15,6 tỷ USD (tăng 15%)…
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết: Kết quả khảo sát các khó khăn của doanh nghiệp quý I/2025 có 37% doanh nghiệp thiếu các đơn hàng mới; 38% doanh nghiệp có giá nguyên liệu đầu vào tăng; 50% doanh nghiệp khó do nhu cầu tiêu dùng suy giảm; 39% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh; 20.7% doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động.
Thông qua khảo kết quả khảo sát doanh nghiệp, Chi cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Quý I/2025 có nhiều yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể: 37,3% doanh nghiệp cho biết nhu cầu thị trường trong nước là còn thấp; 27,1% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của các ngành hàng trong nước chưa cao; khoảng 18% doanh nghiệp khẳng định nhu cầu thị trường quốc tế thấp.
Số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong quý I/2025, có 6.632 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký mới là 42.014 tỷ đồng, giảm 39,7% về số lượng, giảm 55,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; vốn đăng ký bổ sung là 109.093 tỷ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung trong 3 tháng đầu năm 2025 là 151.107 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, có 963 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,3% so với cùng kỳ; có 16.904 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 10,3% so với cùng kỳ; 6.212 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong quý, đã có 17 kiến nghị, đề xuất liên quan tới các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực được gửi tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh như: Hỗ trợ vốn, tín dụng; thuế và Bảo hiểm xã hội; cải cách thủ tục hành chính; hạ tầng giao thông, đất đai, quy hoạch; xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư, chuyển đổi số, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Theo đó, đa phần doanh nghiệp kiến nghị giải quyết những khó khăn về vấn đề tiếp cận vốn, tín dụng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, chính sách về hỗ trợ thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến thương mại…
Với những thuận lợi, thách thức đan xen của doanh nghiệp, HUBA đã kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh. Riêng vấn đề vốn, theo HUBA, cộng đồng doanh nghiệp có một số kiến nghị ngân hàng gia hạn lâu dài chính sách giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn để giúp doanh nghiệp trả nợ cũ và bổ sung vốn lưu động.
Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên và có chính sách để phát triển, thu hút và đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản, hay các kênh đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài.
Ngoài ra, cần có chính sách cho vay mở rộng, ưu đãi cho doanh nghiệp gia đình, hoặc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, điều kiện vay, mục đích vay, tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp sử dụng tài sản cá nhân để phục vụ đầu tư.