Doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng, sẽ tổ chức đấu thầu lại gạo dự trữ quốc gia
Trước tình trạng doanh nghiệp trúng thầu mua gạo dự trữ nhà nước năm 2020 nhưng từ chối ký hợp đồng, để bảo đảm số lượng gạo dự trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu lại số gạo còn lại theo kế hoạch.
Tại sao doanh nghiệp từ chối?
Trong những ngày gần đây, thông tin Tổng cục Dự trữ Nhà nước chưa mua đủ 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020 do có hiện tượng doanh nghiệp trúng thầu mua gạo dự trữ nhà nước nhưng từ chối ký hợp đồng khiến dư luận hết sức quan tâm.
Số liệu của Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho thấy, đến nay, có tổng cộng 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020 với số lượng 178.000 tấn, trong đó có 02 doanh nghiệp ký hợp đồng đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 02 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu, 24/28 doanh nghiệp còn lại từ chối ký hợp đồng.
Trong tổng số 190.000 tấn gạo tổ chức đấu thầu, hiện các cục Dự trữ Nhà nước khu vực mới chỉ ký hợp đồng được 7.700 tấn (đã nhập kho 3.280 tấn), còn lại 182.300 tấn không ký được hợp đồng (bao gồm 12.000 tấn không có nhà thầu trúng thầu và 170.300 tấn nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng).
Đến nay, có tổng cộng có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020 với số lượng 178.000 tấn, trong đó có 02 doanh nghiệp ký hợp đồng đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 02 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu, 24/28 doanh nghiệp còn lại từ chối ký hợp đồng.
Lý giải về nguyên nhân doanh nghiệp trúng thầu mua gạo dự trữ nhà nước năm 2020 nhưng từ chối ký hợp đồng, ông Lê Văn Thời – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, những năm trước đây, việc đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia cũng đã có tình trạng một số nhà thầu từ chối ký hợp đồng sau khi được phê duyệt trúng thầu, nhưng với số lượng rất ít, do vậy về tổng thể không làm ảnh hưởng lớn đến kết quả đấu thầu. Tuy nhiên, đến năm nay, xuất hiện tình trạng cùng lúc nhiều các doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến nguồn lực dự trữ quốc gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như báo cáo của các cục Dự trữ Nhà nước khu vực, nguyên nhân các nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ lương thực của các doanh nghiệp, người dân trong nước tăng cao.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường như: Philippines, Malaysia, Trung Quốc... đều tăng mạnh, dẫn đến thị trường giao dịch gạo trong thời gian qua rất sôi động, giá gạo liên tục tăng từ 1.200-2.000 đồng/kg so với thời điểm mở thầu (ngày 12/3/2020) nên nhà thầu không thực hiện được và có văn bản từ chối ký hợp đồng.
Sẽ tổ chức đấu thầu lại
Để bảo đảm số lượng gạo dự trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời cho biết, ngay trong ngày 16/4/2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu để các cục Dự trữ Nhà nước khu vực tổ chức đấu thầu lại theo đúng quy trình, quy định của Luật Đấu thầu; thời gian phát hành hồ sơ mời thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ ngày 17/4/2020; thời gian mở thầu ngày 12/5/2020; dự kiến thời gian hoàn thành nhập gạo trong tháng 6/2020. Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đã chỉ đạo các cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện để phấn đấu mua đủ 100% số lượng gạo được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo quy định của Luật Đấu thầu, trong trường hợp nhà thầu trúng thầu từ chối ký hợp đồng, thì chủ đầu tư sẽ thu bảo đảm dự thầu của nhà thầu theo quy định để nộp ngân sách nhà nước (số tiền từ 1% đến 3% giá gói thầu tùy theo quy mô, giá trị gói thầu).
Thực tế cho thấy, theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký kết hợp đồng thì bị thu bảo đảm dự thầu từ 1% đến 3% giá gói thầu. Với mức bảo đảm dự thầu này, trong trường hợp thị trường có biến động tăng giá cao thì chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi trúng thầu. Do vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng thực hiện, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu để quy định mức bảo đảm dự thầu cao hơn hoặc bổ sung thêm chế tài xử lý khác.