Vốn FDI đóng góp gần 20% GDP
Theo đánh giá, đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Sáng 4/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều diễn giả là các lãnh đạo bộ, ban, ngành, địa phương; các chuyên gia về đầu tư nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng thảo luận về chiến lược, định hướng giải pháp cho đầu tư nước ngoài trong giai đoạn phát triển mới.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 1987 song hành cùng quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật Đầu tư nước ngoài đã được ban hành. Từ chủ trương đúng đắn trên, trải qua 30 năm phát triển, đến nay khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính đến hết tháng 8/2018, Việt Nam có 26.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD.
Theo đánh giá, đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Về kinh tế, đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017.
Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài cũng tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7% tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.
Về xã hội, khu vực đầu tư nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Việc làm trực tiếp trong khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330.000 người năm 1995 lên khoảng 3,6 triệu người năm 2017; đồng thời tạo việc làm gián tiếp khoảng 5-6 triệu lao động...
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục. Cụ thể, mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng; việc thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn; thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; còn hiện tượng một số doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm tục thực hiện quy định về bảo vệ môi trường; hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án đầu tư nước ngoài chưa cao.
“Những tồn tại và hạn chế nêu trên đã được nhận diện. Hiện Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục các tồn tại trên”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.