Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Yếu tố then chốt nâng cao chất lượng dịch vụ công
(Taichinh) - Trong đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, đổi mới cơ chế tài chính là một nội dung đặc biệt quan trọng, là điều kiện then chốt để các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công cũng như hiệu quả chi ngân sách. Quá trình thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 (Nghị định 43), đã tạo quyền tự chủ, chủ động cho đơn vị sự nghiệp quản lý chi tiêu tài chính hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Do vậy, Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 khẳng định, đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của khu vực sự nghiệp công là khâu đột phá và là điều kiện để đảm bảo cho việc thực hiện Đề án cải cách tiền lương, đồng thời yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và cơ chế tiền lương của khu vực sự nghiệp công gồm cơ chế tính giá, phí dịch vụ và lộ trình thực hiện; phương thức đầu tư, cấp phát NSNN; thực hiện cơ chế hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và từng bước cổ phần hóa… Mới đây, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 (Nghị định 16) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã có một số điểm mới khi quy định giá và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, đổi mới phương thức bố trí dự toán ngân sách, cho phép đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được quyết định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập…
Cơ chế tính giá dịch vụ sự nghiệp công
Việc chuyển đổi sang cơ chế Nhà nước “mua” các sản phẩm đầu ra đòi hỏi đơn vị sự nghiệp công phải thực hiện cơ chế tính giá dịch vụ công. Tuy nhiên, Nghị định 43 chưa quy định về cơ chế tính giá dịch vụ công nên một số sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công vẫn duy trì chính sách định giá thấp hơn chi phí cần thiết.
Do đó, Nghị định 16 quy định: (i) Đơn vị sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN được xác định giá dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy theo quy định của pháp luật đối với từng lĩnh vực; (ii) Giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí; (iii) Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN kết cấu dần các chi phí vào giá dịch vụ. Với cơ chế tính giá này, các đối tượng sử dụng dịch vụ sẽ phải trả đủ chi phí cung cấp dịch vụ. Các đơn vị sự nghiệp công được hạch toán đầy đủ các chi phí cần thiết sẽ có động lực chuyển sang tự chủ ở mức cao hơn, từ đó nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công và cạnh tranh minh bạch, bình đẳng được với đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Tuy nhiên, đây là vấn đề tác động lớn đến đời sống xã hội nên việc điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công phải được thực hiện từng bước theo lộ trình và tính toán đến tác động của lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ, đến CPI... Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước cần đảm bảo các đối tượng chính sách, người nghèo được tiếp cận đầy đủ dịch vụ thiết yếu với chất lượng dịch vụ, quy trình, thủ tục... ngày càng được cải thiện.
Phương thức bố trí dự toán ngân sách
Để khắc phục việc cấp phát NSNN cho đơn vị sự nghiệp còn mang tính bình quân, dẫn đến tình trạng ỉ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, đồng thời khuyến khích đơn vị tiết kiệm biên chế, Nghị định 16 đã chuyển từ giao dự toán NSNN cho đơn vị sự nghiệp công sang thực hiện phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại dịch vụ công. Căn cứ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng cung ứng dịch vụ công, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; đặt hàng, giao kinh phí hỗ trợ từ NSNN đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Tuy nhiên, thực hiện phương thức bố trí dự toán cho các đơn vị sự nghiệp theo kết quả đầu ra, các bộ, địa phương phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời phải chú trọng đến công tác giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện hợp đồng, đặc biệt là đánh giá độc lập từ bên thứ 3 để đảm bảo tính khách quan, công khai minh bạch, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả chi NSNN.
Trích lập các quỹ
Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Thực tế triển khai Nghị định 43 cho thấy, sau khi trích lập 25% vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, phần còn lại để chi trả thu nhập tăng thêm tại một số đơn vị có sự khác biệt lớn hoặc tồn dư Quỹ tương đối lớn.
Nghị định 16 quy định mức trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp khác nhau tùy thuộc vào mức độ tự chủ của đơn vị. Mức trích lập của đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên tối thiểu là 25% phần chênh lệch thu lớn hơn chi vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, thấp hơn mức trích tối thiểu 30% vào Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn theo quy định tại Nghị định 71/2013-NĐ-CP. Trong khi đó, cơ sở ngoài công lập, cơ sở được thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, hội đồng quản trị hoặc thủ trưởng lại được quyết định việc trích lập các quỹ phù hợp điều lệ tổ chức hoạt động của cơ sở hay Luật Doanh nghiệp.
Tăng mức trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và quy định trích khấu hao TSCĐ tính vào chi phí dịch vụ sự nghiệp công sẽ giúp đơn vị có tích lũy để tái đầu tư phát triển, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từ đó giảm gánh nặng đầu tư cho NSNN.
Quỹ dự phòng ổn định thu nhập: Theo Nghị định 43, đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động được quyết định tổng mức thu nhập trong năm cho người lao động và đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động được quyết định tổng mức thu nhập trong năm nhưng tối đa không quá 02 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm do Nhà nước quy định. Về vấn đề này, Nghị định 16 quy định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập có sự phân biệt giữa đơn vị tự chủ cao với các đơn vị tự chủ thấp hơn nhằm khuyến khích các đơn vị phấn đấu vươn lên tự chủ cao hơn, cụ thể cho phép đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư tự quyết định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập, song vẫn khống chế mức trích tối đa đối với các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên là không quá 3 lần và 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và phụ cấp lương do Nhà nước quy định. Tuy vậy, Nghị định 16 vẫn chưa đề cập đến việc chi bổ sung thu nhập cho người lao động theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác nhằm khắc phục tình trạng chi trả thu nhập tăng thêm bình quân như trong quá trình thực hiện Nghị định 43.
Bên cạnh đó, để tăng tính tự chủ cho đơn vị sự nghiệp và tránh hiện tượng chảy máu chất xám trong khu vực sự nghiệp công thì bên cạnh đổi mới việc trích Quỹ bổ sung thu nhập cần đổi mới cơ chế tiền lương theo hướng trả lương theo kết quả, hiệu quả công việc để đảm bảo thu nhập tương ứng với công việc, tránh tình trạng trả lương quá cao hoặc quá thấp.
Đổi mới cơ chế tài chính được xác định là một nội dung đặc biệt quan trọng, là điều kiện then chốt để các đơn vị sự nghiệp phấn đấu tự chủ mức độ cao hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm gánh nặng chi NSNN, được xác định là một trong những khâu đột phá của Chiến lược Tài chính đến năm 2020… Tuy nhiên, hiện thực hóa các chủ trương về đổi mới tài chính trong giai đoạn hiện nay là một công việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ, tích cực và quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời phải có lộ trình cụ thể cho các nội dung đổi mới cũng như cơ chế giám sát thực hiện./.