Đổi mới cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

PV.

Ngày 12/10, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phối hợp cùng Vụ Tài chính – Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Đổi mới huy động, phân bổ và sử dụng nguồn tài chính hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của ông Phạm Văn Trường – Vụ trưởng Vụ Tài chính – Hành chính sự nghiệp; ông Trương Bá Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cùng đại diện Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính và nhiều đơn vị trong lĩnh vực trợ giúp xã hội…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Bá Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như trẻ em, người già, người khuyết tật… là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. Ở Việt Nam, trong các chiến lược/kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cũng là mục tiêu luôn được ưu tiên cùng với mục tiêu phát triển kinh tế.

Đổi mới cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội - Ảnh 1
Ông Trương Bá Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phát biểu tại Hội thảo.

Theo đó, nhiều văn bản về chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội và giảm nghèo đã được ban hành và đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8-6% năm 2016; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.297 USD năm 2010 lên trên 2.164 USD năm 2016; số người tham gia bảo hiểm y tế tính đến cuối năm 2016 đạt 81,8% dân số…

Làm rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Tài chính - Hành chính sự nghiệp cho biết, thời gian qua, công tác trợ giúp xã hội đã được quan tâm ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước. Chi thường xuyên ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này luôn chiếm tỷ trọng lớn, đứng thứ 2 chỉ sau lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Đại diện Vụ Tài chính - Hành chính sự nghiệp dẫn chứng, ngân sách nhà nước bố trí cho lĩnh vực chi đảm bảo xã hội (bao gồm cả lương hưu) giai đoạn 2010-2016 khoảng 667.775 tỷ đồng, bằng 9,8% tổng chi ngân sách, 15% tổng chi thường xuyên.

Đổi mới cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội - Ảnh 2
Ông Phạm Văn Trường – Vụ trưởng Vụ Tài chính – Hành chính sự nghiệp cho rằng cần đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách vói hệ thống trợ giúp xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: việc đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở trợ giúp xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội; kinh phí đầu tư cho hệ thống trợ giúp xã hội còn hạn hẹp; hoạt động dịch vụ trợ giúp xã hội chưa phát triển đa dạng...

Bởi vậy, "vấn đề đặt ra là phải tiến hành đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu của người dân và theo xu hướng hội nhập với quốc tế, trong đó có đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn lực từ ngân sách." - ông Trường nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề về đổi mới phương thức đầu tư ngân sách nhà nước cho hệ thống phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, chuyển đổi phương thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghiên cứu xây dựng mức chuẩn trợ cấp xã hội, huy động các nguồn lực xã hội (ngoài ngân sách nhà nước) cho phát triển hệ thống trợ giúp xã hội...