Đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Thanh Tú

Đổi mới sáng tạo xanh đã được các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam quan tâm thực hiện, song hoạt động này còn khá hạn chế. Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, cần có sự chung tay, đồng hành từ nhiều phía.

Đổi mới sáng tạo xanh tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.
Đổi mới sáng tạo xanh tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đổi mới sáng tạo xanh ở nhiều lĩnh vực

Đổi mới sáng tạo xanh đã được các DN ở Việt Nam, trong đó có các DNNVV quan tâm và thực hiện. Các DN thực hiện đổi mới sáng tạo xanh đã xuất hiện tại nhiều lĩnh vực, như ngành Nông nghiệp, ngành Hàng tiêu dùng; phương tiện di chuyển; xử lý chất thải; lĩnh vực năng lượng; lĩnh vực cảng và dịch vụ logistics...

Báo cáo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV ở Việt Nam” với các kết quả khảo sát thực địa các địa phương của Nhóm tác giả Nguyễn Hoa Cương, Nguyễn Thị Luyến (Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương) cho thấy, các DN và chính quyền các địa phương đã có ý thức khá tốt về việc phải chuyển đổi tăng trưởng xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường thế giới.

Đổi mới sáng tạo xanh thông qua áp dụng kinh tế tuần hoàn ở cấp độ DN đã được thực hiện, bước đầu hình thành một số mô hình kinh doanh tuần hoàn trong DN (Nguyễn Hoa Cương và cộng sự, 2022). Theo khảo sát được tiến hành tại 500 DN ở các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam của Dinh, Thao Hoa và H. L. Nguyen (2018), 90% DN có hiểu biết rõ ràng về các nội dung tái chế - tái sử dụng - giảm thiểu (3R) và trách nhiệm xã hội của DN trong vấn đề môi trường; 50% DN được khảo sát đã từng áp dụng ít nhất một công nghệ sản xuất sạch, 25% đại diện DN được khảo sát có kế hoạch áp dụng công nghệ sạch nhưng gặp khó khăn trong nguồn lực tài chính.

Tương tự, kết quả khảo sát năm 2021 của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường Chất lượng tiến hành đánh giá việc chuyển đổi xanh cũng như việc ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong DN (trong đó có 124 DNNVV tham gia khảo sát) cho thấy, các DN đã triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý bền vững, thể hiện sự quan tâm nhất định tới vấn đề môi trường và phát triển bền vững, các DNNVV chủ yếu áp dụng các Tiêu chuẩn quốc gia về tính bền vững, chiếm 51%; tỷ lệ DNNVV áp dụng ISO 14000 (ví dụ: 14001, 14051) đứng thứ hai với tỷ lệ 29% (Hà Minh Hiệp và Phạm Thị Hiền, 2021).

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2022) cho thấy, tín hiệu tích cực về áp dụng kinh tế tuần hoàn tại DN với 90% DN thuộc ngành Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, chỉ có 10% DN chưa bắt đầu chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn hoặc chưa có sự chuyển đổi rõ rệt.

Quan sát qua khảo sát thực địa tại các địa phương của Nhóm nghiên cứu Nguyễn Hoa Cương, Nguyễn Thị Luyến cũng cho thấy, các DNNVV Việt Nam ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, dựa trên các đặc điểm ngành đã có những sáng kiến đa dạng để áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn ở các giai đoạn như tái chế, tái sử dụng, thiết kế lại sản phẩm. Trong đó, có thể điểm qua một số minh chứng như: lĩnh vực nông nghiệp có những mô hình chăn nuôi thu hồi phân, khí biogas, mô hình trồng lúa kết hợp nuôi rươi; lĩnh vực công nghiệp có các mô hình sản xuất sạch hơn và sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, một số DN dệt may tiếp cận các giải pháp nguyên phụ liệu, thương mại hoá các chất liệu sinh thái (vải sợi sen, sợi bạc hà...), chất liệu tái chế (sợi vải làm từ bã cà phê, vỏ chai nhựa...); các DN sản xuất lương thực thực phẩm phát huy nguồn tài nguyên bản địa để sáng tạo ra các sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường (trà thảo mộc, ngũ cốc sạch, các sản phẩm từ bột gạo, sâm bố chính...); DN nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản tuần hoàn nước kết hợp nuôi cá và trồng rau thuỷ canh và sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm thuỷ hải sản.

Việc đổi mới sáng tạo xanh thông qua việc thực hành ESG (thực hiện đổi mới sáng trong trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị) cũng được nhiều DN quan tâm, thực hiện. Theo kết quả nghiên cứu về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại các DN đang hoạt động ở Việt Nam của PWC (2022) cho thấy, 80% DN đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG, trong đó 40% DN tư nhân/ gia đình được khảo sát cho biết họ đã lập kế hoạch và đưa ra các cam kết ESG.

Việc đổi mới sáng tạo thông qua thực hiện đổi mới công nghệ, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được đẩy mạnh. Một số DN lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất… Nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, thực phẩm đã ưu tiên sản xuất, phân phối các sản phẩm “xanh”, đồng thời sử dụng các bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần. Theo UOB Group (2023), có đến 94% DNNVV ở Việt Nam khẳng tầm quan trọng của thực hiện phát triển bền vững (93% DN nhỏ và 95% DN vừa); có đến 51% DNNVV đã thực hành tính bền vững (43% DN nhỏ và 63% DN vừa).

DN cần sự đồng hành, hỗ trợ từ các bên liên quan

Tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV còn khá hạn chế. Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong DN còn khá thấp, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng thấp, sản phẩm mới với DN nhưng ít mới với thị trường. Do hàm lượng công nghệ trong các DNNVV còn thấp, các DN chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào (đối với DN tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm), áp dụng quy trình tuần hoàn (DN nông, lâm, thủy sản). Số lượng DN thực hiện đổi mới công nghệ xanh hơn thực sự chưa nhiều.

Dữ liệu thống kê và thực tế khảo sát cho thấy, phần lớn DNNVV có năng lực rất hạn chế, cả nhân lực và nguồn lực tài chính; hiệu quả hoạt động không cao, thị trường tiêu thụ hạn chế... Trong khi đó, thực hiện đổi mới sáng tạo theo hướng xanh đòi hỏi đầu tư đổi mới công nghệ với nguồn lực đủ lớn và trình độ nhân lực tương ứng. Chính vì vậy, hầu hết các DNNVV gặp khó khăn trong việc thực hiện đổi mới sáng tạo theo hướng xanh.

Hơn nữa, mặc dù nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo, phải chuyển đổi theo hướng xanh để phù hợp với xu hướng phát triển nhưng nhiều DNNVV cho rằng, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay của nền kinh tế (đặc biệt từ đại dịch COVID-19 đến nay), DN đặt sự ưu tiên lớn nhất là duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, DN chưa thực sự quan tâm đến đổi mới sáng tạo nói chung và thực hiện chuyển đổi theo hướng xanh nói riêng.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN nói chung, DNNVV nói riêng, thực hiện đổi mới sáng tạo xanh và đóng vai trò nòng cốt, tiên phong trong đổi mới sáng tạo xanh, cần có sự chung tay, đồng hành, hỗ trợ từ phía Nhà nước, các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học...