Đơn vị đăng ký sử dụng dụng dịch vụ công trực tuyến tăng mạnh

Hoàng Mai

Kho bạc Nhà nước thống kê, số lượng đơn vị đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến và số chứng từ giao dịch qua DVC trực tuyến có xu hướng tăng mạnh, nhất là khi phát sinh dịch Covid-19. Riêng tháng 4/2020 có đến 7.837 đơn vị đăng ký sử dụng mới, tăng gấp 3 lần so với các tháng trước khi phát sinh dịch Covid-19.

Bám sát lộ trình đặt ra, thời gian qua, hệ thống KBNN đã liên tục hiệu chỉnh và mở rộng tài nguyên hệ thống DVC trực tuyến; triển khai tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Đồng thời nghiên cứu xây dựng, nâng cấp hệ thống DVC trực tuyến và các chương trình ứng dụng liên quan phục vụ cho triển khai quy trình kiểm soát chi của KBNN cấp tỉnh... Nhờ nỗ lực đó, DVC trực tuyến đang ngày càng được “lan toả” tại các đơn vị sử dụng ngân sách trên cả nước.

Theo thống kê, số lượng đơn vị đăng ký tham gia sử dụng DVC trực tuyến và số chứng từ giao dịch qua DVC trực tuyến có xu hướng tăng mạnh, nhất là khi phát sinh dịch Covid-19. Tính đến 30/4/2020, tổng số đơn vị đã đăng ký tham gia DVC trực tuyến là 73.595 trên tổng số 92.456 đơn vị, đạt tỷ lệ 79,6%.

Riêng tháng 4/2020 có đến 7.837 đơn vị đăng ký sử dụng mới, tăng gấp 3 lần so với các tháng trước khi phát sinh dịch Covid-19. Tỷ lệ giao dịch thanh toán gửi qua DVC trực tuyến là hơn 823 nghìn giao dịch trên tổng số hơn 1,4 triệu giao dịch chi ngân sách, đạt tỷ lệ 55%. Số lượng giao dịch thanh toán chi ngân sách nhà nước gửi qua DVC trực tuyến khoảng 100.000 chứng từ thanh toán và khoảng 60.000 hồ sơ.

Được biết, trong năm 2019, 100% các thủ tục hành chính KBNN được thực hiện trên DVC trực tuyến mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia dịch vụ công mức 4. Đến nay, đã có gần 100% các đơn vị giao dịch tại KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã tham gia DVC trực tuyến với KBNN.

Có thể nói, việc áp dụng DVC trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các đơn vị dự toán có giao dịch với KBNN tỉnh/thành phố (trực thuộc trung ương) và KBNN thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh/thành phố là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN, hướng tới Kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cũng như thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới, KBNN tiếp tục tăng cường các giải pháp, kết nối và tích hợp hệ thống DVC trực tuyến KBNN với các hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp; xây dựng hệ thống sao lưu, lưu trữ điện tử quản lý khai thác sử dụng dữ liệu điện tử  trong dài hạn; triển khai ứng dụng cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước và DVC trực tuyến tại tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trên toàn quốc.

Cùng với đó, nghiên cứu bổ sung căn cứ pháp lý vào dự thảo thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi từ ngân sách nhà nước qua KBNN thay thế Thông tư số 161/2012/TT-BTC quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua KBNN và Thông tư số 39/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 161/2012/TT-BTC để các đơn vị giao dịch và KBNN có căn cứ triển khai thực hiện.