Đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa: Bảo đảm quyền lợi người lao động

Theo daibieunhandan.vn

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 998/BHXH-CSXH về việc hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động (NLĐ) khi chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân thực hiện một số nội dung sau:

Về thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị sự nghiệp công lập sau khi chuyển thành công ty cổ phần tiếp tục giữ chức danh, chức vụ hoặc làm công việc dưới đây tại công ty cổ phần thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp: Là người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương; người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên trước ngày 1/1/2018; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên kể từ ngày 1/1/2018 đã giao kết với công ty cổ phần sau chuyển đổi.

Mức đóng, phương thức đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thực hiện quy định của Luật BHXH, Luật BHYT; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Trường hợp công ty cổ phần mới được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập chưa hoàn thành xây dựng thang lương, bảng lương và thỏa thuận mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác thì: Thực hiện tạm thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của công chức, viên chức và người làm việc theo hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập tại tháng cuối cùng trước khi chuyển đổi (ghi bằng tiền đồng Việt Nam, không ghi theo hệ số lương), không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; khi công ty hoàn thành việc phê duyệt thang lương, bảng lương và thỏa thuận mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác thì điều chỉnh mức thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm đóng đủ số tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng (nếu có) đền thời điểm chấm dứt hoạt động và chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trường hợp đến thời điểm chấm dứt hoạt động và chuyển đổi thành công ty cổ phần vẫn còn nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thì BHXH tỉnh có trách nhiệm đôn đốc thu số tiền nợ bàn giao và số tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phát sinh theo quy định.

Thủ tục, hồ sơ, quy trình tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

Công chức, viên chức, người làm việc theo hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập tại tháng cuối cùng trước khi chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ tuổi nghỉ hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu, khi đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị và thực hiện đóng thì cơ quan BHXH tỉnh thực hiện thu BHXH một lần cho thời gian còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề tháng trước khi NLĐ nghỉ việc nhân với số tháng còn thiếu.