Đồng bộ giải pháp cho mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020
Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô… là những nhiệm vụ quan trọng được đề ra tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng đồng bộ, hiện đại
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu được đưa ra tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 thông qua Nghị quyết 63/NQ-CP vừa Chính phủ ban hành là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Trong đó, tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tập trung chủ yếu vào cải cách toàn diện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các quy định quản lý chuyên ngành xuất khẩu và nhập khẩu, các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và môi trường.
Ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế
Nghị quyết 63/NQ-CP cũng đề ra nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó, điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với nguyên tắc thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối phù hợp với mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế của Chính phủ. Xử lý giảm thiểu các khoản nợ xấu...
Tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và bảo lãnh Chính phủ
Bảo đảm các giới hạn an toàn về nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội. Đổi mới chính sách quản lý để tăng cường kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ.
Cơ cấu lại các khoản nợ công, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và bảo lãnh Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá các dịch vụ công quan trọng.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.
Thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ và hiệu quả các ngành, lĩnh vực: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp và xây dựng, từng bước tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu; Tái cơ cấu thị trường tài chính…
Nghị quyết 63/NQ-CP cũng đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, thân thiện với môi trường, nhất là các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, có tính lan tỏa tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải. Ưu tiên vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn.