Đóng góp của Năng suất nhân tố tổng hợp vào nâng cao năng suất
Năng suất các nhân tố tổng hợp và gia tăng yếu tố này là vấn đề cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia bởi tăng năng suất các nhân tố tổng hợp được coi là “nguồn gốc căn nguyên” của tăng trưởng trong dài hạn, bảo đảm chất lượng tăng trưởng và phát triển. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra mục tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%. Bài viết trao đổi về Năng suất nhân tố tổng hợp tại Việt Nam gắn với tăng trưởng năng suất trong nền kinh tế.
Tổng quan về Năng suất nhân tố tổng hợp
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động...
Theo Tăng Văn Khiên (2005), TFP là kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động (các nhân tố hữu hình), nhờ vào tác động của các nhân tố vô hình như đổi mới công nghệ, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của công nhân... (gọi chung là các nhân tố tổng hợp - các nhân tố về trình độ công nghệ tiềm ẩn trong các yếu tố cơ bản là vốn và lao động).
Theo Trung tâm Năng suất Việt Nam (2009), TFP "phản ánh sự đóng góp của các yếu tố vô hình như kiến thức - kinh nghiệm - kỹ năng lao động, cơ cấu lại nền kinh tế hay hàng hóa - dịch vụ, chất lượng vốn đầu tư mà chủ yếu là chất lượng thiết bị công nghệ, kỹ năng quản lý... Tác động của nó không trực tiếp như năng suất bộ phận mà phải thông qua sự biến đổi của các yếu tố hữu hình, đặc biệt là lao động và vốn”.
Các nhân tố tác động tới TFP bao gồm: Cải tiến, đổi mới công nghệ và sản phẩm; chất lượng lao động; tái cơ cấu kinh tế (phân bổ vốn và lao động của nền kinh tế); yếu tố thị trường; môi trường kinh doanh, chính sách và thể chế. Do đó, chỉ tiêu tốc độ tăng TFP phản ánh toàn diện về chiều sâu của quá trình sản xuất - kinh doanh. Chỉ có tăng trưởng kinh tế nhờ vào tăng TFP mới là sự tăng trưởng bền vững, ổn định và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năng suất nhân tố tổng hợp với tăng trưởng năng suất
Thực trạng TFP ở Việt Nam
Hiện nay, TFP và gia tăng TFP là vấn đề cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, ngành và địa phương. Ở Việt Nam, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) đặt ra mục tiêu đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%. Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng xác định mục tiêu đến năm 2025: “Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó TFP đạt khoảng 45% GDP”. Ngày 22/12/2024, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tiếp tục đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%...
Từ năm 2015 đến nay, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, vai trò của nâng cao năng suất đã được khẳng định, trở thành nội dung rất then chốt. Theo đó, mục tiêu cải thiện TFP, cải thiện năng suất đã đề cập trong các văn bản như: Nghị quyết số 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Quyết định số 36/QĐ-TTG ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...
Trong các năm gần đây, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và hậu đại dịch, các vấn đề địa chính trị thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn được quốc tế đánh giá là có sự tăng trưởng nhanh, bền vững. Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011-2015, TFP đóng góp khoảng 33,5% vào tăng trưởng kinh tế, đến giai đoạn 2016-2020, TFP đóng góp khoảng 45,42%. Năm 2021, TFP tiếp tục gia tăng và đóng góp khoảng 37,5%, năm 2022, TFP đóng góp khoảng 43,8% và năm 2023 đóng góp 44,8% vào tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, với tốc độ đóng góp bình quân ở mức trên 42% giai đoạn từ năm 2021-2023, TFP có sự đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của nền kinh tế và tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy yếu tố đầu vào là vốn và lao động đang được sử dụng hiệu quả hơn trong việc tạo ra kết quả đầu ra.
Theo đánh giá của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), trong khi nhiều nền kinh tế có tốc độ tăng TFP âm, thì Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất. Với tốc độ tăng TFP bình quân 1,8%/năm, Việt Nam là nước có sự thay đổi về TFP nhanh nhất so với các nước đang phát triển khác ở khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Philippines. Tốc độ tăng trưởng TFP cao cho thấy khoa học, công nghệ, kỹ năng, trình độ lao động, trình độ quản lý được cải thiện rõ nét.
Vai trò, tác động của TFP trong nền kinh tế Việt Nam
Tăng TFP được sử dụng để phân tích đầy đủ hơn về các yếu tố tác động đến tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế có được do sự gia tăng lao động, vốn và một phần dựa trên tăng TFP. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng tăng vốn, tăng lao động có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, phù hợp với giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, còn tăng TFP mới là nguồn gốc căn nguyên của tăng trưởng trong dài hạn, bảo đảm chất lượng tăng trưởng và phát triển. Nghiên cứu của Lợi Minh Thanh, Hà Thị Việt Thúy (2022) về vai trò, tác động TFP đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho thấy: i) TFP là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm hiện thực hóa mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. Bởi để tái cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng từ “tăng trưởng theo chiều rộng” sang “tăng trưởng theo chiều sâu”, thì TFP đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Bởi TFP gắn với tiềm năng trí tuệ của con người, nên có khả năng tăng “không giới hạn” mà không gây ra hệ lụy tiêu cực nào cho nền kinh tế. ii) TFP góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất của các nước thành viên Tổ chức Năng suất châu Á (APO), trong đó, khoa học và công nghệ đã thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của Đất nước. iii) TFP giúp Việt Nam giải quyết được những vấn đề nan giải về môi trường, xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế.
Đóng góp của TFP đối với vấn đề nâng cao năng suất
Nâng cao năng suất là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của quốc gia. Trong những điều kiện hạn chế đầu vào (lao động và vốn), tăng năng suất là con đường duy nhất để tăng trưởng kinh tế bền vững về dài hạn. Đối với TFP, tăng TFP là kết quả của việc sử dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng của lực lượng lao động, cải thiện chất lượng của hệ thống quản lý cho phép tạo ra nhiều đầu ra với một lượng đầu vào không đổi.
Đối với các tổ chức, DN, quản lý năng suất thành công là chìa khóa cho sự sống còn trong môi trường kinh doanh hiện nay. Nghiên cứu của Lợi Minh Thanh, Hà Thị Việt Thúy (2022) về sự thay đổi TFP cho các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam giai đoạn 2007-2015 cho thấy, TFP của các DN vừa và nhỏ có xu hướng tăng nhưng không ổn định. Các DN nhỏ và siêu nhỏ có ít điều kiện về tài chính và các nguồn lực khác để đầu tư vào công nghệ, tăng cường hiệu suất, do vậy dẫn đến TFP thường thấp hơn các DN quy mô lớn.
Hiện nay, có nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao năng suất cho DN, trong đó áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã được minh chứng là một trong các giải pháp hữu hiệu (chi phí đầu tư không đáng kể nhưng hiệu quả mang lại rất rõ rệt trong việc tiết giảm lãng phí, chi phí, nâng cao năng suất chất lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa…) cho DN, đặc biệt trong bối cảnh DN Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực như hiện nay. Để thực hiện các mục tiêu cải thiện năng suất, chất lượng, nhiều chính sách, chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng suất đã được thực thi ở các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN. Thông qua đó, các kết quả cải tiến năng suất đã được ghi nhận. TFP không ngừng được cải thiện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Một số khuyến nghị
Để hiện thực hóa mục tiêu về tăng TFP gắn với tăng năng suất theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/07/2024 của Ban Bí thư, cần tập trung vào một số nội dung cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết về tăng TPF và tăng năng suất nhằm tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung và chất lượng hàng hóa, sản phẩm của DN nói riêng trong bối cảnh hội nhập.
Hai là, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thông qua tăng cường tích lũy vốn và đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.
Ba là, nâng cao năng lực của hệ thống quản trị, phương thức sản xuất của các DN/cơ sở sản xuất kinh doanh để tạo ra năng suất cao hơn. Năng suất các yếu tố tổng hợp thể hiện sự cải tiến và đổi mới phương thức công nghệ sản xuất, kỹ năng quản lý hiện đại của các DN. Nhà nước nên có chính sách về công nghệ và sự hỗ trợ về phương thức quản lý của các DN vừa và nhỏ ở các tỉnh, thành phố có quy mô nhỏ để các DN này có được những điều kiện tiếp cận với công nghệ và phương thức quản lý như ở các DN lớn. Đồng thời, các DN nhỏ và siêu nhỏ cần được hỗ trợ nhiều hơn trong việc đầu tư công nghệ, tăng năng suất.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, tạo cơ hội việc làm và tạo điều kiện cho DN/cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động năng suất, hiệu quả. Chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp tại Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
Năm là, phát triển ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng cường chuyển giao công nghệ, sản phẩm và quá trình, đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, tiếp tục tăng đầu tư nguồn lực về vốn, cơ sở hạ tầng.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2021), Nghị quyết số 31/2021/QH15, ngày 12/11/2021, về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025;
- Lợi Minh Thanh, Hà Thị Việt Thúy (2022), Vai trò, tác động của năng suất nhân tố tổng hợp đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tạp chí Công Thương - số 4, tháng 3/2022;
- Trung tâm Năng suất Việt Nam (2009), Báo cáo nghiên cứu chỉ tiêu năng suất Việt Nam 2006 – 2007;
- Tăng Văn Khiên (2005), Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp: Phương pháp tính và ứng dụng. NXB Thống kê Hà Nội;
- Nguyễn Thị Phương Thảo (2021), So sánh các phương pháp tính TFP và ứng dụng trong tính toán TFP cho các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam. Tạp chí Công Thương - Số 2, tháng 1/2021;
- Nguyễn Nam (2024), Thúc đẩy tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp trong tình hình mới. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/14652/thuc-day-tang-truong-nang-suat-nhan-to-tong-hop-trong-tinh-hinh-moi.aspx.