TS. Nguyễn Trí Hiếu:
Đồng Libra ra đời là hiện tượng "vô tiền khoáng hậu" trong ngành tài chính thế giới
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, đồng Libra nếu ra đời năm 2020 sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến chính sách tiền tệ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Facebook vừa giới thiệu tiền điện tử Libra cho phép hàng tỷ người dùng thực hiện các giao dịch tài chính trên phạm vi toàn cầu, động thái có thể làm rung chuyển hệ thống ngân hàng thế giới.
Libra được mô tả như một phương tiện giúp kết nối những người không được tiếp cận với mô hình ngân hàng truyền thống. Với hơn 2,4 tỷ người dùng Facebook mỗi tháng, Libra có khả năng thay đổi cục diện tài chính, nhưng sẽ phải chịu giám sát chặt chẽ khi Facebook liên tục vướng vào những bê bối về quyền riêng tư.
Công nghệ cho phép giao dịch bằng Libra sẽ xuất hiện dưới dạng ứng dụng độc lập – tương tự WhatsApp và Facebook Messenger – vào năm 2020. Qua đó người dùng có thể gửi tiền cho nhau hoặc thanh toán hàng hóa và dịch vụ thông qua đồng tiền của Facebook thay vì tiền địa phương.
Trong khi Facebook thiết lập đồng tiền ảo, các quyết định liên quan đến vận hành nền tảng Libra sẽ được thực hiện bởi Hiệp hội Libra, một nhóm gồm các công ty tài chính phi lợi nhuận và công ty thương mại. Để gia nhập, mỗi công ty đã đóng góp ít nhất 10 triệu USD, mang lại cho liên doanh hơn 1 tỷ USD.
Các công ty tham gia bao gồm MasterCard, PayPal, Coinbase và eBay. Cùng gia nhập Hiệp hội Libra còn có các công ty khởi nghiệp Uber và Lyft, tổ chức tài chính phi lợi nhuận Women’s World Banking, nền tảng cho vay vi mô Kiva và nhóm hỗ trợ nhân đạo Mercy Corp. Trụ sở của hiệp hội sẽ đặt tại Geneva, Thụy Sĩ.
Chia sẻ với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, sự ra đời của Libra vào năm 2020 là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong ngành tài chính của thế giới, nó có khả năng phá vỡ ranh giới về chủ quyền tiền tệ quốc gia.
"Một người muốn mua Libra không cần phải có tài khoản ngân hàng, họ mua Libra xong, số tiền của họ được lưu trữ trên hệ thống Blockchain của Facebook. Từ đó họ có thể giao dịch chuyển nhượng, mua bán bằng đồng Libra, không những trong lãnh thổ Việt Nam mà có thể xuyên quốc gia. Chính vì thế, đồng Libra sẽ vượt qua tầm kiểm soát của NHNN và chính sách tiền tệ của các quốc gia", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát sao, cần có ban nghiên cứu đưa ra quyết sách đối phó đồng tiền này, nếu đồng Libra thành công sẽ gây nguy cơ xóa bỏ chủ quyền tiền tệ của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác.
Thông thường với tiền điện tử, hệ thống có thể được sử dụng và bảo mật bởi bất kỳ ai có kết nối máy tính. Nhưng trong giai đoạn đầu, blockchain của Libra sẽ đóng, và chỉ có một số người được phép vận hành phần mềm điều hành hệ thống và xác minh các giao dịch.
Facebook cho biết mục tiêu của họ là hỗ trợ các ngân hàng và cho phép người dùng điện thoại nhưng không có tài khoản ngân hàng được hưởng các dịch vụ tương ứng, lấy dẫn chứng là sự hợp tác với Women’s World Banking và các tổ chức phi lợi nhuận khác.