Động lực giảm nghèo đa chiều bền vững ở Tây Bắc
Tây Bắc là địa bàn chiến lược của đất nước nhưng cũng là vùng có tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước. Chung tay hỗ trợ giảm nghèo đa chiều bền vững ở Tây Bắc, thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ quyết liệt các giải pháp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh nơi đây.
Những năm qua, các tỉnh, thành vùng Tây Bắc tuy đã đạt được một số kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng vẫn là vùng có tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước, công tác xóa đói giảm nghèo còn nhiều hạn chế, bất cập, nguy cơ tái nghèo cao. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần tiếp tục có các chính sách, giải pháp căn cơ, đồng bộ để xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững ở Tây Bắc…
Phát biểu tại hội thảo “Giảm nghèo đa chiều bền vững: Thực tiễn và định hướng, giải pháp cho các tỉnh Tây Bắc” mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết:
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã rất quyết liệt trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo. Đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, ngành Ngân hàng luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng đối với khu vực Tây Bắc đạt 203.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Trong đó, cho vay đối tượng chính sách (dư nợ đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay chính sách của cả nước) là chương trình được triển khai thành công nhất, góp phần quan trọng giúp xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế- xã hội khu vực Tây Bắc.
Bên cạnh đó, hoạt động an sinh xã hội cũng được ngành Ngân hàng hết sức quan tâm. Riêng trong giai đoạn 2009-2015, các ngân hàng đã tài trợ hơn 2200 tỷ đồng để đầu tư cho các công trình an sinh xã hội của khu vực Tây Bắc.
Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của khu vực Tây Bắc còn rất hạn chế. Cụ thể: Tại 2 hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc (năm 2013 và 2014), các ngân hàng đã cam kết đầu tư cho khu vực Tây Bắc khoảng 9000 tỷ đồng (không tính số vốn đầu tư cho Thủy điện 15.000 tỷ đồng), song đến nay số vốn giải ngân mới đạt khoảng 50%. Nguyên nhân chủ yếu là do Tây Bắc vẫn còn nhiều vấn đề như hạ tầng cơ cơ sở yếu kém, thiếu thị trường, môi trường sản xuất kinh doanh khắc nghiệt….
“Chung tay hỗ trợ giảm nghèo đa chiều bền vững ở Tây Bắc, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các chương trình, giải pháp, kết hợp chặt chẽ tín dụng chính sách với tín dụng thương mại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc không ngừng phát triển”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.