Dòng tiền đang chờ cơ hội

Theo Minh Hương/Báo Thời Nay

Dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa mạnh khi luân chuyển qua các nhóm ngành. Giới phân tích khuyến nghị, đối với nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn tập trung tích lũy tài sản thì có thể hướng đến cổ phiếu các nhóm ngành đã giảm giá mạnh trong thời gian qua và được hưởng lợi trực tiếp khi nền kinh tế được mở cửa trở lại.

Đối với nhiều nhà đầu tư chứng khoán, nhịp điều chỉnh ngắn hạn luôn tạo ra cơ hội. Ảnh: Nam Anh
Đối với nhiều nhà đầu tư chứng khoán, nhịp điều chỉnh ngắn hạn luôn tạo ra cơ hội. Ảnh: Nam Anh

Trong tuần qua, dòng tiền luân chuyển qua nhiều nhóm cổ phiếu đã giúp VN Index đã vượt qua các ngưỡng cản quanh mốc 1.450 điểm và dần tiếp cận sát vùng 1.500 điểm. Đặc biệt, thị trường đã chứng kiến một phiên giao dịch kỷ lục, với tổng giá trị khớp lệnh trên cả ba sàn đạt khoảng 52.000 tỷ đồng trong ngày 3/11. Thanh khoản đang là điểm sáng nổi bật của thị trường. Không chỉ sàn HoSE, mà sàn HNX và UPCoM cũng ghi nhận thanh khoản tăng mạnh từ đầu tháng 10/2021.

Theo thống kê của HoSE, chỉ tính trong tháng 10/2021, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỷ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so tháng 9.

Đáng chú ý, dòng tiền liên tục xoay vòng, từ nhóm cổ phiếu bất động sản sang nhóm ngân hàng, chứng khoán đến các nhóm: dầu khí, cảng biển… Đây là minh chứng rõ nét cho việc, dòng tiền chốt lời không rời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới.

Thường từ đầu năm 2021 đến nay, sau các phiên khớp lệnh kỷ lục đi kèm với giảm điểm, thị trường sẽ bước vào nhịp giảm. Tuy nhiên, trong những phiên lập đỉnh, phá đỉnh gần đây dường như các nhịp giảm điểm có xu hướng ngắn lại, nhịp giảm sau ngắn hơn nhịp giảm trước, nên mức giảm điểm chung cũng ngắn lại. Nghĩa là lực cầu và những kỳ vọng bên ngoài thị trường đã tăng mạnh, chỉ chờ dịp tham gia thị trường.

Thực tế, tại một số công ty chứng khoán lớn, số dư tiền mặt trong tài khoản nhà đầu tư cuối tháng 10/2021 đều tăng so thời điểm cuối quý III/2021. Đây là minh chứng dòng tiền chờ sẵn trên thị trường và tiếp tục có xu hướng tăng trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, còn các kênh đầu tư khác lại kém hấp dẫn.

Mặt khác, theo một số phân tích, trong tuần qua, thị trường chứng khoán có sự bứt phá rất mạnh mà một phần nguyên nhân đến từ kỳ vọng gói kích cầu 800.000 tỷ đồng đang làm thị trường “nóng lên”. Tuy nhiên, trong đợt sóng tăng vừa qua, khi chỉ số VN Index liên tục lập đỉnh thì nhiều cổ phiếu các nhà đầu tư đang nắm giữ lại chưa thể “về bờ” do sự phân hóa mạnh của thị trường. 

Giới phân tích khuyến nghị, dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa mạnh khi luân chuyển qua các nhóm ngành. Đối với nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn tập trung tích lũy tài sản thì có thể hướng đến cổ phiếu các nhóm ngành đã giảm giá mạnh trong thời gian qua và được hưởng lợi trực tiếp khi nền kinh tế mở cửa trở lại như ngân hàng, bán lẻ và hàng không. Nếu nhà đầu tư không nắm rõ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì tốt nhất nên trung thành với những doanh nghiệp lớn, tăng trưởng ổn định. 

Thị trường thường có những biến động mạnh sau một lần xác lập đỉnh mới. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, với kết quả kinh doanh quý III/2021, chỉ số P/E của chỉ số VN Index đang ở mức hơn 17 lần, cao hơn mức trung bình 14 năm và vẫn thấp hơn mức dự phòng 2021 theo kịch bản cơ sở của nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra.

Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế nêu trên cũng là động lực tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Do đó, dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ trở lại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thay vì quá phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng nóng trong thời gian qua.

Chuyển động của thị trường từ đầu tháng 10 đến nay đang diễn ra theo hướng nâng dần mức đáy lên và bắt đầu tăng tốc nhờ vào các nhóm cổ phiếu tiềm năng như: ngân hàng và bất động sản. Mặt khác, do lãi suất có xu thế giảm, gói kích cầu kinh tế sắp được tung ra nên dòng tiền nhàn rỗi trong dân đang tăng cao. 

Dòng tiền luân chuyển sẽ khiến thị trường bền vững hơn, tạo các tầng nâng đỡ thị trường theo từng nhịp biến đổi của kinh tế vĩ mô. Dự báo nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản trong thời gian tới đây sẽ thay phiên nhau nâng đỡ thị trường để đạt mục tiêu chạm ngưỡng 1.550, thậm chí cao hơn. 

Ở kịch bản tiêu cực, với xác suất thấp hơn là chỉ số VN Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.363 - 1.380 điểm. Ở kịch bản này, dư nợ margin cao sẽ là yếu tố đáng ngại của thị trường trong tháng 11/2021 nếu lượng nhà đầu tư mới tăng trưởng không còn nhiều.

Tuy nhiên, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam mới đây đã thông báo về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tính đến ngày 31/10/2021. Cụ thể, tổng số tài khoản giao dịch trong nước đạt 3.823.304 tài khoản, trong đó gồm nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 99,6% số lượng tài khoản tương ứng 3,81 triệu tài khoản, số lượng nhà đầu tư tổ chức chỉ đạt 12.572 tài khoản. Tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 38.707 tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân là 34.603 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức đạt 4.104 tài khoản.

Mặt khác, trong tình hình thực tế hiện nay, không có kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn bất động sản và chứng khoán. Do đó, với một dòng tiền mạnh, có quy mô lớn, dường như thị trường đang ra chỉ báo về hình bóng một con sóng lớn phía trước. Và mỗi một nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh tới đây của thị trường đều có thể là những cơ hội để những nhà đầu tư cầm tiền mặt quyết định giải ngân.