Dự án đầu tư nước ngoài đang nhỏ dần
Như Sabeco, nếu không thương vụ M&A của người Thái, bao giờ hình ảnh của Sabeco mới có mặt ở giải bóng đá ngoại hạng của Anh, GS. Nguyễn Mại lấy ví dụ về việc ngoại hóa doanh nghiệp nội hiện nay.
Một nội dung được đề cập trong Báo cáo Giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đáng lưu ý. Đó là việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần ngày một gia tăng trong khi Luật Đầu tư quy định đơn giản về thủ tục, không bắt buộc nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước quản lý việc góp vốn tại doanh nghiệp và dễ dẫn đến tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần đang tiếp tục tăng mạnh. Điều này đang khiến dấy lên mối lo ngại về việc “ngoại hóa” doanh nghiệp Việt. Nhưng có thực là như vậy?
Động lực mới
Tuần trước, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đã công bố hoàn tất các thủ tục giao dịch và hồ sơ pháp lý cho thương vụ mua cổ phần trị giá 20.300 tỷ đồng. Như vậy, KEB Hana Bank đã chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV, sở hữu 15% cổ phần của ngân hàng này.
Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam này đã một lần nữa làm “nóng” thêm thị trường M&A và xu hướng đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn được đánh giá là “bùng nổ” trong thời gian gần đây. Các thương vụ đình đám có thể kể đến như Tập đoàn SK chi 1 tỷ USD mua cổ phần của Vingroup, hay Sabeco, Nhựa Bình Minh, Giấy Sài Gòn… đều lần lượt có sự tham gia của yếu tố nước ngoài.
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 10 tháng của năm 2019, cả nước có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.
Việc các doanh nghiệp nước ngoài liên tục thực hiện các thương vụ M&A như là một cách nhanh nhất để thâm nhập thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay, để tận dụng các cơ hội do thương chiến Mỹ - Trung mang lại, đang tạo động lực mới cho doanh nghiệp nội phát triển.
GS., TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI lấy ví dụ, nhờ vốn ngoại, Vingroup có thêm 1 tỷ USD để phục vụ cho mục tiêu phát triển của mình. Còn BIDV sẽ được KEB Hana Bank hỗ trợ các vấn đề về quản trị chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
GS Nguyễn Mại lại nhìn vào sự ổn định của dòng vốn giải ngân để khẳng định quan điểm, vốn FDI vẫn sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam, ít nhất là đến năm 2025. Theo ông Mại, thị trường M&A tại Việt Nam sôi động trong thời gian dần đây là nhờ “chúng ta đã có hàng để bán và có cái quốc tế cần mua”.
Được gì từ vốn ngoại?
Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại cũng quan ngại về quy mô vốn của các dự án FDI hiện tại. “Trung bình một dự án FDI vào Việt Nam trong 10 tháng qua có quy mô vốn khoảng bốn triệu USD. Ðó là tính trung bình, còn có những dự án một triệu USD. Ðây là vấn đề cần nghiên cứu”.
Cụ thể, vốn FDI vào Việt Nam trong 10 tháng qua chưa được như kỳ vọng. Tính chung 10 tháng năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 29,11 tỷ USD, nhưng chỉ có một dự án có quy mô tỷ USD. Đó là thương vụ góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Công, Trung Quốc) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD, thuộc ngành sản xuất bia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) cho biết, vốn trung bình của một dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới năm 2017 đạt 13,8 triệu USD, năm 2018 giảm xuống còn 5,87 triệu USD, từ đầu năm 2019 đến nay tiếp tục giảm xuống còn khoảng 4 triệu USD.
Tương tự, vốn đăng ký tăng thêm của một dự án cũng giảm từ 6,4 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,22 triệu USD. Do quy mô dự án nhỏ cho nên liên tục năm tháng đầu năm 2019, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mặc dù vẫn tăng mạnh về số lượng dự án nhưng vốn đăng ký chỉ bằng 90,8% so cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nói rõ hơn, “Với quy mô nhỏ, giảm dần, thì liệu có nghiên cứu và phát triển, có chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế không, trong khi đây là những điều chúng ta đang cần từ dòng vốn này”.
Ông Cung cũng đặt câu hỏi: “Không biết doanh nghiệp nước ngoài mua những gì, ở đâu và doanh nghiệp Việt Nam sau khi rút vốn thì có đưa vốn vào đầu tư không? Nếu số vốn này không được tái đầu tư thì thực chất dòng vốn nước ngoài này không làm tăng vốn trong nền kinh tế”.