Đầu tư nước ngoài giữ đà tăng mạnh
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong 4 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 4 năm qua. Đây có thể coi là điểm sáng lớn nhất của nền kinh tế trong những tháng đầu năm.
Giữ vững đà tăng trưởng
Hơn 4 tỷ USD vốn nước ngoài đăng ký đầu tư chỉ riêng trong tháng 4/2019 đã giúp tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam giữ được đà tăng mạnh mẽ và tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế trong những tháng đầu năm.
Đáng chú ý là, trong 4 tháng đầu năm, ngoài phần điều chỉnh vốn giảm hơn so với cùng kỳ, thì vốn đầu tư vẫn tăng mạnh ở 2 hợp phần cấp mới và góp vốn mua cổ phần. Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018; tổng giá trị vốn góp 7,13 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Nếu nhìn ngược về tháng 1, tháng 2, khi các kỷ lục mới về thu hút đầu tư nước ngoài phần lớn là do sức bật mạnh mẽ của vốn đầu tư gián tiếp, thì đến thời điểm hiện tại, vốn trực tiếp và vốn gián tiếp đã khá cân bằng.
Sự cân bằng này có được là nhờ đóng góp của một số dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất hay năng lượng như dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) Co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh, hay Dự án Nhà máy Điện mặt trời Hòa Hội, tổng vốn đầu tư đăng ký 216,7 triệu USD, do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư tại Phú Yên…
Theo các chuyên gia kinh tế, 14,59 tỷ USD chỉ trong 4 tháng là một con số cực kỳ đáng ghi nhận, cho thấy thị trường đầu tư Việt Nam vẫn rất hấp dẫn và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn điều cần lưu ý, đó là vốn đăng ký tăng gần gấp đôi, nhưng vốn giải ngân chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ 2018 (đạt 5,7 tỷ USD) là chưa tương xứng. Do vậy, cần thúc đẩy việc giải ngân của các dự án đã đăng ký để tăng thêm năng lực cho nền kinh tế.
Khép kín các chuỗi cung ứng
Trong buổi làm việc mới đây với ông Youngsup Joo (nguyên Bộ trưởng Bộ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã không ngần ngại bày tỏ mong muốn thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn vào sản xuất các sản phẩm bán dẫn, linh kiện có giá trị cao.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Chính phủ Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến phát triển và thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đặc biệt từ Samsung Semiconductor, SK Hynix - các công ty sản xuất sản phẩm bán dẫn đứng số 1 và 3 thế giới tính theo doanh thu năm 2018. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện tại chưa đủ hấp dẫn để có thể thu hút các dự án FDI quy mô lớn vào lĩnh vực này.
“Nếu thu hút được các dự án FDI quy mô lớn vào sản xuất sản phẩm bán dẫn, Việt Nam sẽ cơ bản hình thành chuỗi cung ứng khép kín trong các sản phẩm điện tử và có vị thế cạnh tranh trên bình diện quốc tế”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ.
Tham vấn về vấn đề trên cũng như việc chuyển hướng thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới, ông Youngsup Joo cho rằng, để thực hiện được điều này, Việt Nam phải đổi mới công nghệ và chuyển sang hợp tác theo chiều ngang, với giải pháp hợp tác ba lớp Chính phủ - cơ quan liên quan - doanh nghiệp.
“Về các giải pháp hợp tác ba lớp, việc doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong chuỗi giá trị có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, doanh nghiệp Hàn Quốc với thế mạnh về marketing, xây dựng thương hiệu, thiết kế công nghiệp (industrial design) có thể chia sẻ bí quyết giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao công nghệ, kỹ thuật cho các sản phẩm”, ông Youngsup Joo cho biết.
Liên quan việc chuyển hướng thu hút FDI, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, Việt Nam vẫn rất cần phải thu hút đầu tư nước ngoài. “Ngay cả ở những nước tiên tiến nhất như Mỹ, Nhật Bản…, thì chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vẫn rất quan trọng. Việt Nam lại là nước đang phát triển và đang bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn dựa trên khoa học, công nghệ để tạo ra những đột phá về năng suất lao động. Vì vậy, càng phải tiếp tục cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài”, bà Lan nói.
Tuy nhiên, chính sách sắp ban hành không những cần tập trung vào thu hút đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, mà còn đòi hỏi nhiều hơn về bảo vệ môi trường, sự lan tỏa tới nền kinh tế, cũng như hạn chế tình trạng chuyển giá.
Trước câu hỏi rằng, việc “làm căng” với chuyển giá có khiến tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài giảm, bà Lan nhận định là không. Theo bà, việc thiết kế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tới đây sẽ theo chủ trương “ưu đãi cho doanh nghiệp FDI không cao hơn doanh nghiệp trong nước”.
Ngoài ra, trong mọi quan hệ thương mại, đừng e ngại Việt Nam làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế, vì trong WTO có nguyên tắc “đối xử quốc gia” (National Treatment), tức là nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào một quốc gia thành viên sẽ được hưởng ưu đãi không kém hơn các nhà đầu tư trong nước.
“Tôi tin rằng, sự bình đẳng, công bằng chính là tính hấp dẫn lâu dài và bền vững của một môi trường đầu tư”, bà Lan đánh giá.