Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững


Dự án hứa hẹn mang lại nguồn năng lượng sạch, ổn định, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao. Đây không chỉ là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương mà còn là bước tiến chiến lược trong phát triển năng lượng quốc gia.

Tái khởi động dự án, những dấu mốc quan trọng

Sau gần một thập kỷ tạm dừng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang được hồi sinh với những quyết sách và hướng đi quyết liệt từ các cơ quan Trung ương và Chính phủ.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - bước đi quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hành trình tái khởi động dự án bắt đầu từ những thảo luận quan trọng tại Kỳ họp Quốc hội thứ tám, khi Chính phủ trình bày tờ trình về việc tái khởi động dự án.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã nêu rõ các cơ sở thực tiễn, nhấn mạnh rằng điện hạt nhân đang là xu hướng của thế giới trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng. Đặc biệt, việc tái khởi động dự án được xem là cách thức hiện các cam kết quốc tế như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam đã bắt đầu khám phá con đường đến với điện hạt nhân từ đầu những năm 2000, với mong muốn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hạn chế khí thải nhà kính.

Vào năm 2009, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư lần đầu, bao gồm hai nhà máy: Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Quy mô dự án dự kiến mỗi nhà máy sử dụng hai tổ máy, với tổng công suất lắp đặt lên đến 4.000 MW, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế trong lâu dài. Tuy nhiên, dự án đã tạm hoãn vào năm 2016 do những bối cảnh kinh tế - xã hội khi đó chưa thật sự đầy đủ các điều kiện để triển khai.

Sau khi Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết về việc tái khởi động dự án, ngày 10/01/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Ban Chỉ đạo này sẽ giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, đảm bảo đồng bộ và an toàn trong quá trình triển khai. Quyết định này thay thế Quyết định số 580/QĐ-TTg năm 2010.

Theo đề xuất hiện nay, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được xây dựng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với mục tiêu hoàn thành và vận hành tổ máy đầu tiên vào năm 2030.

Những gói cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Bước đi chiến lược, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển bền vững

Liện quan đến chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định rằng, điện hạt nhân là giải pháp chiến lược giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng việc phát triển điện hạt nhân cần được thực hiện với các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt, đảm bảo yếu tố môi trường và cộng đồng.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khi trình bày Tờ trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV cũng nhận định rằng, điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo cung cấp điện ổn định và dài hạn.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, quan điểm phát triển điện hạt nhân là vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Quan điểm tiếp theo là bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Phát triển điện hạt nhân gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia.

Về kinh tế, các chuyên gia cho rằng, dự án sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho tỉnh Ninh Thuận. Với việc đầu tư vào hạ tầng và công nghệ, Ninh Thuận có cơ hội trở thành trung tâm năng lượng sạch, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đã nhấn mạnh, dự án này không chỉ đem lại nguồn thu ngân sách mà còn tạo hàng nghìn việc làm chất lượng cao; đồng thời, nâng cao trình độ nguồn nhân lực địa phương thông qua các chương trình đào tạo công nghệ hạt nhân chuyên sâu.

Bên cạnh đó, việc triển khai dự án cũng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, từ sản xuất vật liệu xây dựng đến cơ khí chế tạo.

Đồng thời, thông qua hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, Việt Nam có thể nhanh chóng nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặt nền móng cho sự phát triển khoa học - công nghệ lâu dài.

Về môi trường, điện hạt nhân giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính so với các nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và chất lượng sống của người dân. Các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt trong vận hành đảm bảo giảm thiểu rủi ro đối với môi trường và cộng đồng.

Đối với Ninh Thuận, dự án không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển bền vững. Tỉnh này có thể trở thành hình mẫu về sự kết hợp giữa năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, tạo nên một hệ sinh thái năng lượng hiện đại và thân thiện với môi trường.

Đồng thời, các chính sách hỗ trợ đặc thù sẽ cải thiện đáng kể chất lượng sống của người dân địa phương, từ hạ tầng giao thông, y tế đến giáo dục.

Theo Cẩm Anh/kinhtemoitruong.vn