Dự báo mức tăng lợi nhuận của các công ty Anh giảm mạnh trong 2018
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại London dẫn nghiên cứu mới nhất của UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ cho biết mức tăng lợi nhuận của các công ty hàng đầu của Anh dự báo sẽ giảm tới hơn 50% trong năm 2018.
Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh những mối quan ngại về các hệ quả kinh tế trong dài hạn liên quan đến việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã lấn át những thuận lợi có được từ sự rớt giá của đồng bảng Anh kể từ sau quyết định này.
Kể từ cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU ngày 23/6/2016, tới nay lợi nhuận của các công ty nằm trong chỉ số chứng khoán FTSE 100 nhìn chung tích cực hơn rất nhiều so với những dự báo bi quan đưa ra sau cuộc trưng cầu, một phần nhờ lợi nhuận khả quan ở nước ngoài, trong bối cảnh đồng bảng rớt giá mạnh.
Trong ba tháng tính tới cuối tháng 6/2017, mức tăng lợi nhuận của các công ty này đạt ngưỡng 20%.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thuộc UBS tỏ ra không mấy lạc quan vào triển vọng lợi nhuận của các công ty hàng đầu của Anh trong năm 2018.
Các chuyên gia của UBS dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các công ty nằm trong chỉ số FTSE 100 năm 2018 chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 19% trong năm 2017 và chỉ bằng khoảng một nửa so với dự báo họ đưa ra hồi tháng 6/2017.
Theo nhận định của ông Nelson, người đứng đầu bộ phận vốn của khu vực châu Âu của UBS, sự yếu đi của đồng bảng một mặt có lợi cho doanh thu của các công ty, song mặt khác nó cản đà tăng nhu cầu tiêu dùng, do hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Nhiều công ty cho rằng vẫn còn quá sớm để dự báo những ảnh hưởng của Brexit vào thời điểm chiến lược Brexit còn chưa rõ ràng. Không ít tập đoàn công nghiệp lớn khẳng định sẽ triển khai các kế hoạch đầu tư tại Anh.
Bên cạnh đó, cũng có không ít tập đoàn đã tạm gác các kế hoạch đầu tư, khi những phác thảo về các thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU liên quan đến Brexit còn mơ hồ.
Thậm chí, một số công ty đang cân nhắc chuyển hoạt động sang các nước EU. Bên cạnh đó, Brexit cũng làm dấy lên làn sóng mua bán và sáp nhập tại nước này. Một trong những lý do dẫn tới xu hướng nói trên là sự biến động của đồng bảng Anh trong một năm qua.
Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng Mỹ và châu Âu cho biết họ có thể chuyển 11.000 việc làm khỏi trung tâm tài chính London, nhằm tránh cho hoạt động giao dịch của họ tại châu Âu bị gián đoạn sau Brexit.
Trong khi đó, các ngân hàng Anh hầu như chưa thay đổi kế hoạch hoạt động. Ngân hàng Lloyds ít hoạt động kinh doanh bên ngoài nước Anh, trong khi Barclays dự định chỉ chuyển khoảng 150 việc làm sang Dublin, RBS chuyển số việc làm tương tự sang Amsterdam và HSBC đề cập tới việc chuyển khoảng 1.000 việc làm sang Paris.