Dự kiến sản lượng điện hạt nhân sẽ tăng 45% vào năm 2035

PV.

Báo cáo nhu cầu năng lượng nguyên tử của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) mới công bố ngày 10/9 cho biết công suất điện nguyên tử sẽ tăng hơn 45% trong 20 năm tới, cho dù xu hướng tăng sẽ chịu ảnh hưởng từ tình trạng biến đổi khí hậu và đồng nghĩa với việc thế giới sẽ cần tới nguồn uranium mới sau năm 2025.

Lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt đang góp phần thiết thực cho chương trình điện hạt nhân quốc gia.
Lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt đang góp phần thiết thực cho chương trình điện hạt nhân quốc gia.

Theo dự báo của WNA, trong bối cảnh nhiều nước đang tiến hành xây dựng các nhà máy điện mới với mức khí thải carbon thấp và an toàn hơn, sản lượng điện hạt nhân sẽ tăng mạnh, từ mức 379 gigawatt (GWe) hiện nay đến mức 552 GWe vào năm 2035.

Bà Agneta Rising, Giám đốc WNA cho biết, trong vòng 5 năm tới, sản lượng điện hạt nhân dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh chưa từng có trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây. “Theo ước tính, sản lượng điện hạt nhân đến năm 2030 sẽ cần khoảng 660 GWe và hơn 900 GWe năm 2050, nhằm duy trì nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 2 độ C trong thế kỷ này, ngưỡng nhiệt độ tăng an toàn để tránh tác động xấu từ biến đổi khí hậu. Do vậy, thế giới nên phát triển năng lượng nguyên tử theo nhịp độ trên”, bà Agneta Rising nhận định.

Ngoài đánh dự báo sản lượng và đánh giá tác động, Báo cáo của WNA còn đưa ra các kịch bản phát triển điện hạt nhân cho thời gian tới. Kịch bản thứ nhất, sự phát triển của điện hạt nhân sẽ chững lại vào năm 2030 và bắt đầu đi xuống từ năm 2035, sau khi một vài lò phản ứng ngừng hoạt động do hết hạn sử dụng. Kịch bản thứ hai khả quan hơn, đó là sản lượng điện hạt nhân sẽ tiếp tục tăng và đạt mức 429Gwe vào năm 2020, đến năm 2035 sẽ là 720 Gwe.

Được biết, sản lượng năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới đã cải thiện đáng kể sau thảm họa hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản vào tháng 3/2011.

Từ bài học Fukushima, nhiều quốc gia giờ đây đã chú trọng hơn đến điều kiện tự nhiên và độ an toàn tại các cơ sở sản xuất trong các chiến lược năng lượng của họ; qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện hạt nhân. Hiện các lò phản ứng mới đang tiếp tục được xây dựng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và một số nước tại Châu Âu và Trung Đông.

Cũng theo bản báo cáo, điện hạt nhân được đánh giá là yếu tố quan trọng trong công cuộc giảm thiểu khí thải carbon, đồng thời góp phần đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng.

Cơ quan Năng lượng Thế giới (IEA) cũng cho biết, hiện nay, điện hạt nhân đang chiếm 11% tổng sản lượng năng lượng thế giới và được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định trong vòng 20 năm tới. Tuy nhiên, vị trí của nguồn cung uranium phụ đang dần dần bị thu hẹp trên thị trường thế giới nhưng sẽ nắm vị trí quan trọng hơn vào năm 2035.

Tình trạng thiếu hụt uranium làm giàu của các nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ làm tăng sản lượng uranium trên thị trường sau năm 2025. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới sẽ cần tới nguồn cung uranium mới sau năm 2025. Ngoài ra, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng trên thế giới sẽ cần khoản đầu tư 81 tỷ USD mỗi năm từ năm 2014-2040.

Thể hiện sự lạc quan thị trường vẫn đủ sức đáp ứng nguồn cung uranium, Báo cáo của WNA cho biết, trong bối cảnh hầu hết các khu mỏ uranium đang được tiến hành khai thác, kể cả những khu mỏ sẽ đi vào hoạt động trong tương lai, nếu tính gộp cả nguồn chính và phụ, thị trường uranium sẽ phục vụ đủ nhu cầu nguyên liệu này cho các nhà máy năng lượng nguyên tử đến năm 2025.