Các hành động bảo vệ công chúng do sự cố của lò phản ứng nước nhẹ
Trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, từ ngày 5 - 9/10/2015, tại TP. Phan Rang, Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo “Các hành động bảo vệ công chúng trong tình huống khẩn cấp do sự cố nghiêm trọng của lò phản ứng nước nhẹ”.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, tại phiên thứ nhất ngày 5/10, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tổng quan về ấn bản “Các hành động bảo vệ công chúng, chuẩn bị và ứng phó sự cố trong nhà máy điện hạt nhân của IAEA phát hành năm 2013; Đồng thời, trao đổi và đưa ra những tình huống giả thiết về số lượng người bị ảnh hưởng và ảnh hưởng sức khỏe có thể xảy ra liên quan đến một tình huống khẩn cấp trong nhà máy điện hạt nhân; tổng quan các tình huống khẩn cấp tại một nhà máy điện hạt nhân.
Trong phiên làm việc ngày thứ hai (6/10), các đại biểu đã được nghe các bài trình bày về “Các đặc điểm của môi trường khi tiến hành xả thải trong một sự cố nghiêm trọng khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân”; “Phản ứng của công chúng và truyền thông đối với một tình huống khẩn cấp trong nhà máy điện hạt nhân”; “Các hoạt động bảo vệ đối với một tình huống khẩn cấp trong nhà máy điện hạt nhân – phần 1”; “Các hoạt động bảo vệ đối với một tình huống khẩn cấp trong nhà máy điện hạt nhân- phần 2”.
Tại phiên làm việc ngày thứ 3 (7/10), các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận về vấn đề: “Xem xét số lượng người bị ảnh hưởng đo được và liều tính toán trong giả định”. Đồng thời, được hiểu thêm về khái niệm về vận hành; cơ quan chịu trách nhiệm chung trong ứng phó sự cố; trang thiết bị và địa điểm dung cho ứng phó tình huống khẩn cấp.
Trong hai phiên làm việc thứ 4 và thứ 5 (ngày 8-9/10), các đại biểu đã tập trung thảo luận và thực hành tình huống khẩn cấp mô phỏng TTEx – Giai đoạn 1. Đặc biệt, với các vấn đề bức xạ hiện trường và các phương pháp và thiết bị giám sát nhiễm xạ; Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo đã được nêu ra và thảo luận tại Hội thảo.
Thông qua hội thảo này đã giúp trang bị các kiến thức, kỹ năng thực hành cho các đại biểu nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp do sự cố nghiêm trọng của lò phản ứng nước nhẹ để từ đó có các hành động bảo vệ công chúng.
Được biết, Hội thảo về các hành động bảo vệ công chúng trong tình huống khẩn cấp do sự cố nghiêm trọng của lò phản ứng nước nhẹ có sự tham gia giảng dạy của 2 giảng viên người nước ngoài là TS. Tinkara Bucar và TS. Jongseong Lee./.