Dư thanh khoản chỉ là tạm thời
(Tài chính) Lãi suất đã và đang biểu thị xu hướng giảm sẽ kích thích vốn ra. Vốn dư hiện tại chỉ là tạm thời. Cùng với sự ổn định từng bước vững chắc của nền kinh tế, lãi suất cũng sẽ từng bước giảm về mức ổn định. Tín dụng cần và phải lấy lại sức tăng trưởng ổn định cùng với tăng trưởng ổn định của nền kinh tế là vấn đề các tổ chức tín dụng (TCTD) cần quan tâm trong hoạt động quản trị nguồn vốn hiện nay.
Từ cuối tháng 2 đến nay, vấn đề tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng lại cộm lên. Con số chính thức được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin tại Hội nghị Chính phủ ngày 28/2 vừa qua là tín dụng đưa vào nền kinh tế 2 tháng đầu năm âm 1,66% so với 31/12/2013. Nhìn lại con số cùng kỳ các năm 2013 rồi 2012, tín dụng cũng giảm lần lượt 0,23% và 1,88%.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tăng trưởng tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm có tính quy luật. Quy luật có lẽ là phản ảnh thời điểm “khởi động” nhu cầu vốn thường chậm trong vài ba tháng đầu năm của nền kinh tế như thông lệ. Tuy nhiên, dấu hiệu rất đáng quan tâm ở đây là mặc dù suốt cả năm 2013 tín dụng đã đạt con số tăng trưởng theo mục tiêu, nhưng khá chật vật. Đặc biệt là đường đồ thị biểu diễn tăng vọt lên bất thường chỉ trong vài ba tháng cuối năm 2013 càng cho thấy rất cần nhìn nhận cho thật đúng sự tăng trưởng của tín dụng qua 2 tháng đầu năm nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự lưu thông quá chậm của dòng vốn tín dụng có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng quan trọng nhất, có tính khách quan đối với tín dụng, đó là sự chậm hồi phục của nền kinh tế hiện nay - cả thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, sức bật của kinh tế Việt Nam, tuy không bị ảnh hưởng về đường lối chung, nhưng đang gặp trì trệ bởi mô hình cơ cấu. Trong khi đó, tiến trình triển khai tái cấu trúc lại đứng trước những thách thức quá lớn, rất khó giải quyết nhanh chóng và dứt điểm như mong muốn.
Biểu hiện rõ nét gây cản trở dòng tiền vốn, làm suy yếu tổng cầu trong suốt cả năm 2013 là tình trạng hàng tồn kho khiến nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, hoặc phải phá sản; thị trường bất động sản vẫn đóng băng do mâu thuẫn giữa giá bán bị “thổi lên” với khả năng thanh toán của những đối tượng có nhu cầu thực...
Đối với hoạt động tín dụng, nguyên nhân tăng trưởng chậm được nhìn nhận trước tiên là do nợ xấu chưa được giải phóng, khiến cho chính ngân hàng thương mại (NHTM) mất khách hàng đang có nợ xấu, trong khi tìm kiếm khách hàng mới không dễ. Mặt khác, để bảo đảm an toàn, NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu đó, với số lượng và tỷ trọng ngày càng tăng, khiến lợi nhuận ngày càng giảm.
Nhìn lùi xa hơn một chút, do nhiều năm trước cạnh tranh chạy đua tăng trưởng tín dụng bằng lãi suất cao, nên hệ lụy là lãi suất, do quy luật độ trễ kỳ hạn, khó có thể đưa về mức thấp ngay. Nhìn vào thị trường vàng và tỷ giá ổn định, vào cuộc khủng hoảng thiếu thanh khoản, bùng lên, đe dọa đổ bể hệ thống vừa mới được dập tắt, nhất là vào đường cong “ngược” của lãi suất nhiều năm trước chỉ mới đang được lập lại… có thể thấy những bất ổn nội tại của một số NHTM vẫn chưa thể cắt đứt trong ngày một ngày hai.
Tuy nhiên, lãi suất đã và đang biểu thị xu hướng giảm sẽ kích thích vốn ra. Vốn dư hiện tại chỉ là tạm thời. Cùng với sự ổn định từng bước vững chắc của nền kinh tế, lãi suất cũng sẽ từng bước giảm về mức ổn định. Tín dụng cần và phải lấy lại sức tăng trưởng ổn định cùng với tăng trưởng ổn định của nền kinh tế là vấn đề các TCTD cần quan tâm trong hoạt động quản trị nguồn vốn hiện nay. Vì thế có thể nói, hiện tại tín dụng không có nỗi lo thiếu vốn. Đối với các TCTD, có đáng lo chăng là ở chiến thuật điều chỉnh lãi suất sao cho nguồn vốn vẫn duy trì sự lưu thông hiệu quả trong nền kinh tế…