EU quyết truy thu thuế hàng loạt doanh nghiệp

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Hơn ba chục công ty đa quốc gia, trong đó có cả những doanh nghiệp quy mô khổng lồ như hãng bia Anheuser-Busch Inbev, sẽ bị truy thu tổng cộng khoảng 700 triệu EUR tiền thuế tại Bỉ kể từ sau khi EU kết luận có hành vi lợi dụng ưu đãi thuế bất hợp pháp.

Trong khoảng 700 triệu EUR tiền thuế truy thu nêu trên, ước tính 500 triệu EUR sẽ là của các công ty châu Âu.
Trong khoảng 700 triệu EUR tiền thuế truy thu nêu trên, ước tính 500 triệu EUR sẽ là của các công ty châu Âu.

Nhiều ý kiến cho rằng quyết định trên sẽ tác động tiêu cực tới dòng vốn đầu tư vào châu Âu cũng như làm sứt mẻ hình ảnh của Bỉ như là một trong những địa chỉ đầu tư hấp dẫn.

Vẽ đường cho hươu chạy

Cách đây 10 năm, Bỉ từng ban hành chính sách thuế cho phép một số doanh nghiệp được giảm doanh thu chịu thuế từ 50% đến 90% để loại trừ phần lợi nhuận được chia với tư cách là thành viên của tập đoàn đa quốc gia.

Việc làm này vấp phải những quan điểm trái chiều song cách đây 11 tháng, Ủy ban châu Âu (EC) mới bắt tay điều tra và cuối cùng cũng đưa ra kết luận chính sách giảm thuế của Bỉ đã “ảnh hưởng nghiêm trọng đến cạnh tranh” trên thị trường EU và yêu cầu Bỉ phải truy thu số thuế “thất thoát”.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc chống độc quyền của EU, bà Margethe Vestager, cho rằng Bỉ làm vậy là “vẽ đường cho hươu chạy” để các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng trốn thuế.

Trong khoảng 700 triệu EUR tiền thuế truy thu nêu trên, ước tính 500 triệu EUR sẽ là của các công ty châu Âu. “Đương nhiên tôi có nghe nhiều lời chỉ trích rằng mọi việc đều nhằm vào doanh nghiệp Mỹ. Nhưng rõ ràng không phải như vậy. Chúng tôi chỉ quan tâm tới bình đẳng trong cạnh tranh”.

Từng được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách thuế của Bỉ và giờ phải “xuất quỹ” nhiều nhất là hàng loạt tên tuổi nổi tiếng thế giới như AB InBev, công ty công nghiệp Atlas Copco (Thụy Điển), BP, BASF, tập đoàn viễn thông Proximus (Bỉ), hay nhà sản xuất linh kiện phương tiện Wabco (Mỹ).

Trong khi nhiều công ty vẫn giữ im lặng thì AB InBev đã lên tiếng thể hiện sự thất vọng trước quyết định của EU với lý do đã tuân thủ đầy đủ chính sách thuế của Bỉ cũng như phù hợp với quy định của quốc tế.

Chính phủ hờ hững truy thu

Điều tra trốn thuế là ưu tiên hàng đầu của giới chức EU dưới áp lực phải tìm hiểu xem có đúng là nhiều tập đoàn lớn chưa nộp thuế “tương xứng với tiềm năng” trong giai đoạn mà cả nền kinh tế phải thắt lưng buộc bụng hay không.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nó sẽ tác động tiêu cực tới dòng vốn đầu tư vào châu Âu bởi có thể hàng nghìn doanh nghiệp phải cân nhắc lại cơ cấu hoạt động của mình tại đây, trong khi những doanh nghiệp có ý định đầu tư sẽ rụt rè hơn. Điều này chắc chắn sẽ làm sứt mẻ hình ảnh của Bỉ như là một trong những địa chỉ đầu tư hấp dẫn thời gian qua.

Bản thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Bỉ, ông Johan Van Overtveldt, cũng phải lên tiếng cảnh báo rằng nếu EU quá mạnh tay với chuyện thu thuế này thì các công ty liên đới sẽ phải chịu hậu quả nặng nề, và việc nộp lại tiền thuế cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn.

Ông Van Overtveldt khẳng định cơ quan chức năng của Bỉ sẽ đàm phán thêm với giới chức EU và không loại trừ khả năng đệ đơn nhờ tòa án tối cao phân xử, tùy thuộc vào kết quả quá trình thương lượng.

Tính tới thời điểm này, EU đã hoàn tất hai cuộc điều tra trốn thuế liên quan tới Starbucks ở Hà Lan và Fiat Chrysler Automobiles ở Luxembourg. Theo kết luận EU đưa ra hồi tháng 10/2015, hai công ty này đã được hưởng ưu đãi thuế bất hợp pháp và buộc phải nộp bổ sung 20 – 30 triệu EUR.

Trong khi Hà Lan và Luxembourg phủ nhận chuyện ưu ái đặc biệt thì Starbucks và Fiat Chrysler cũng quả quyết không nhận được lợi ích gì bất thường, đồng thời tuyên bố kháng án lên tòa án tối cao EU, một quá trình có thể phải mất đến hàng năm trời.

Sau khi EU công bố quyết định của mình, giám đốc công ty tư vấn thuế Taxand tại Brussels, ông Geert De Neef, đã nửa đùa nửa thật rằng các công ty đa quốc gia có thể cân nhắc dời trụ sở đến Anh, Hà Lan hoặc Luxembourg, những nơi có thuế suất thấp hơn hẳn mức 34% của Bỉ bởi “khi đó doanh nghiệp chẳng cần phải sử dụng chiêu trò gì nữa, trong khi lại hoàn toàn hợp pháp”.