EU và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác trước thềm EVFTA
Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018, tuy nhiên hiện tại hai bên đã sẵn sàng thực hiện nhiều chương trình hợp tác trước thời điểm hiệp định có hiệu lực.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Cao ủy EU Phil Hogan mới đây, ông đã mời một nhóm chuyên gia Việt Nam đến Brussels (Bỉ) trong vài tuần tới để giúp gỡ bỏ rào cản thương mại các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS). Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề rào cản SPS cho cả nhà xuất khẩu EU và Việt Nam, giúp nhà sản xuất và xuất khẩu có sự chuẩn bị tốt khi chính thức tham gia EVFTA.
Theo ông Hogan phía EU không chỉ sẽ trả lại những mặt hàng xuất khẩu không đủ tiêu chuẩn của Việt Nam vào châu Âu mà các nước khác cũng vậy. Chính vì thế để có thể xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu của mình. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, phía EU sẽ đưa thêm các công nghệ mới, hỗ trợ kỹ thuật của châu Âu vào Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất ra những thực phẩm chất lượng cao theo đúng với tiêu chuẩn, quy định của EU.
Bên cạnh đó, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Cơ quan Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) Hà Lan (thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan) cũng đang thực hiện Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường EU”.
Theo đó, các chuyên gia Hà Lan sẽ hỗ trợ tư vấn phi lợi nhuận cho các doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn xuất khẩu sang EU thông qua việc đánh giá năng lực xuất khẩu thực tế của doanh nghiệp, từ đó lên kế hoạch nâng cao năng lực, cải tiến quy trình hoạt động; cung cấp thông tin về thị trường EU và xây dựng chiến lược xuất khẩu phù hợp; hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia các hội chợ thương mại tại châu Âu để xây dựng mối quan hệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác...
Việt Nam và EU có hệ thống nông nghiệp – thực phẩm bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam sản xuất loại cà phê cao cấp, hạt điều, tiêu và nhiều loại sản phẩm khác... là những sản phẩm thị trường EU ưa chuộng. Còn sở thích của người dùng Việt Nam với thịt heo, thịt gia cầm, sữa... có nhu cầu lớn cho hơn 90 triệu dân được xem là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt khi người tiêu dùng tin tưởng chất lượng tiêu chuẩn của thực phẩm của châu Âu.
EVFTA mang lại cơ hội tốt cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp khi thuế suất ưu đãi nhiều mặt hàng về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Cùng với đó, EVFTA có các quy định, cơ chế rõ ràng và hiệu quả, liên quan đến thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa, sở hữu trí tuệ, bao gồm cả chỉ dẫn địa lý, hợp tác xây dựng năng lực, thương mại và phát triển bền vững.