FDI "khát" nguyên liệu, doanh nghiệp Việt có giải tỏa được không?
Bộ Công Thương cho biết, một số doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu từ trong nước, là thời cơ "có một không hai" để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chứng minh năng lực, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các doanh nghiệp điện tử, lắp ráp ô tô, dệt may, da giày nước ngoài tại Việt Nam... đã tính đến phương án tìm đối tác trong nước. Đây là thời cơ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tăng tốc, tham gia vào thị trường "tỷ đô" này.
Tăng cường tìm nguyên liệu trong nước
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với ngành điện – điện tử, năm 2019, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%).
Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Ngành dệt may và da – giày – túi xách: Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại, 2,3 tỷ USD xơ, sợi, 12,69 tỷ USD vải các loại, và khoảng 5,61 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may da giày. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,32 tỷ USD xơ sợi (57,39%); 7,73 tỷ USD vải (60,91%) và 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày (43,67%); nhập khẩu từ Hàn Quốc là 2,02 tỷ USD vải (15,91%) và 0,71 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may da giày (12,65%).
Đa số các doanh nghiệp ngành dệt may và da - giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.
Ngành sản xuất lắp ráp ô tô: Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17.54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%), và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%). Đặc biệt, ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc. Các dòng xe du lịch có linh kiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia để tiến hành lắp ráp, tuy nhiên những quốc gia này hoặc đang bùng phát dịch bệnh (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam (Ấn Độ, các nước ASEAN).
Dự kiến đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất.
Trước tình thế trên, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết Bộ này đã khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da – giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Đặc biệt, theo thông tin từ Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia đang phối hợp với Cục Công nghiệp tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu.
Đây chắc chắn sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Nếu biết nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như thu tỷ đô trong "miếng bánh béo bở" này.
Doanh nghiệp Việt có thể bù đắp?
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lo ngại, do năng lực sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ trong nước còn thấp, việc kết nối cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), thừa nhận trình độ quản trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đa phần còn thấp (các doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam sau hơn 20 năm phát triển vẫn không có nhiều doanh nghiệp đạt trình độ quản trị sản xuất kinh doanh tiệm cận thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và ở rất xa thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4).
Các doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm chưa căn cứ theo thị trường lâu dài mà phần lớn chỉ sản xuất theo các hợp đồng nhỏ lẻ; lựa chọn phương án đầu tư sản xuất khép kín, thiếu sự hợp tác liên kết và đổi mới trang bị công nghệ có năng suất, độ chính xác cao, tiêu hao năng lượng thấp... nên giá thành và chất lượng sản phẩm của cơ khí Việt Nam khó cạnh tranh.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, một số nhà sản xuất có chủ trương tăng tỷ lệ nội địa hóa đã tích cực hỗ trợ các nhà cung ứng trong nước để đẩy nhanh quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm của các nhà sản xuất nhằm xử lý những khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn các vấn đề có tính hệ thống như đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao.
Các vấn đề này vẫn làm phát sinh khoảng cách chi phí; cần có các định hướng và chính sách mạnh mẽ, cụ thể của Nhà nước để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chi phí. Nếu có được các chủ trương và định hướng như vậy, có thể đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách chi phí, từ đó mở rộng hơn danh mục các linh kiện có thể nội địa hóa được.
Quan trọng hơn, để kết nối hiệu quả doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, chính bản thân mỗi doanh nghiệp Việt phải thay đổi chính mình. Doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực thông qua việc hỗ trợ đào tạo nhân lực, tuyển dụng, tăng cường đầu tư bài bản, làm ăn chuyên nghiệp…
Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hikari, chia sẻ doanh nghiệp nước ngoài thường đặt câu hỏi như "Anh có gì để cung cấp cho tôi? Năng lực của anh thế nào?". Tuy nhiên, DN Việt Nam thường có tư tưởng "Anh đặt hàng tôi đi thì tôi mới đầu tư". Cũng như các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khi bắt đầu đầu tư thì cần phải xác định rõ khách hàng của mình là ai, họ yêu cầu gì? Từ đó mới đáp ứng được các yêu cầu mà phía khách hàng đưa ra.