Fitch Ratings nâng triển vọng của Việt Nam từ “Ổn định” lên “Tích cực”
Những thành quả về tài khóa, nợ công và là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia suy giảm đã giúp cho Việt Nam được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings giữ xếp hạng tín nhiệm ở mức BB, nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.
Đánh giá tích cực từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm
Ngày 1/4/2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định lại xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.
Theo Fitch Ratings, cơ sở để tổ chức này nâng Triển vọng lên “Tích cực” phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam - một trong rất ít nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thuộc nhóm các nước hạng BB có thể duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91% vào năm 2020 trước đại dịch Covid-19.
Bộ Tài chính cho rằng Fitch Ratings, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác sẽ có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực để đưa ra nhìn nhận sát thực, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.
Fitch Ratings ghi nhận các thành quả về tài khóa, nợ công của Việt Nam, thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát nhanh chóng dịch Covid ngay từ ngày đầu, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm sớm hồi phục hoạt động kinh tế - xã hội.
Kết quả vượt bậc của Việt Nam có được còn nhờ vào nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, vị thế tài chính đối ngoại tiếp tục tăng cường nhờ tài khoản vãng lai thặng dư liên tục và dự trữ ngoại hối tăng.
Trước đó, ngày 18/3/2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) cũng đã thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh tăng triển vọng lên Tích cực.
Cơ sở tổ chức Moody’s đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên Tích cực là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.
Moody’s cho biết, giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khoá và nợ đầy thuyết phục và vững chắc. Moody’s ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế của Việt Nam đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách và quản lý nợ.
Việc Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, và là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam.
Nền tảng từ điều hành chính sách hiệu quả của Chính phủ và dư địa tài khóa ngày càng vững chắc
Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với sự kiện Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam, việc Fitch Ratings nâng triển vọng thể hiện sự tin tưởng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với điều hành chính sách hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cũng như dư địa tài khóa ngày càng vững chắc.
Sự cải thiện trong triển vọng xếp hạng tín nhiệm quốc gia là kết quả của việc triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính - ngân hàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời cũng là kết quả của các bộ, ngành trong việc giải thích, trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với Fitch Ratings.
Những kết quả đó cũng là cơ sở để các tổ chức kinh tế - tài chính và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Fitch Ratings dự báo các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, giảm chênh lệch GDP bình quân đầu người so với các nước cùng xếp hạng với Việt Nam, cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững và ổn định nợ trong trung hạn sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.
Trong đó, Fitch Ratings dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam khoảng 7% vào năm 2021 và 2022, cùng với đà phục hồi kinh tế toàn cầu giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu, hoạt động kinh tế trong nước được bình thường hóa và Chính phủ sẽ tiếp tục ngăn chặn thành công dịch Covid -19.
Trong khi đó, Moody’s dự báo, trong thời gian tới, nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế, tài khoá, việc điều hành chính sách hiệu quả sẽ góp phần giúp Việt Nam hưởng lợi từ xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.