Gạt bỏ mọi cản trở trên dòng thác cải cách
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá trong nhiệm kỳ 5 năm qua vừa qua, dòng thác cải cách đã được khơi và trong nhiệm kỳ tới, cần tiếp tục gạt bỏ những hòn đá cản đường để dòng thác đó chảy mạnh hơn.
“Phải nói rằng trong toàn bộ giai đoạn này, cải cách thể chế đã là một trọng tâm rõ nét”, TS, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung khẳng định khi trao đổi với phóng viên.
Là người trực tiếp tham gia “chắp bút” Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và soạn thảo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Nguyễn Đình Cung hiện được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhiệm vụ theo dõi tình hình triển khai Nghị quyết này.
Ông đánh giá như thế nào về những chuyển động cải cách thể chế trong giai đoạn vừa qua?
Về kết quả, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về quyền tự do kinh doanh, tháo bỏ được một số rào cản, giảm được một số chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt trong một số lĩnh vực khá chủ chốt như khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, nộp thuế.
Từ đó, môi trường kinh doanh đã được cải thiện vài bậc, có thể là hơn chục bậc khi Ngân hàng Thế giới cập nhật kết quả cải cách trong năm 2016. Một số bộ ngành đã có chuyển động tích cực, chủ động cải cách, đóng vai trò tiên phong trong cải thiện môi trường kinh doanh và thực sự vì doanh nghiệp, như Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thì thì kết quả đạt được vẫn còn khoảng cách. Dù Chính phủ đã quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt, nhưng tư duy quản lý nhà nước ở các cấp vẫn chưa thay đổi về căn bản. Kéo theo đó là nội dung, cách thức, công cụ để thực thi vẫn chưa có nhiều thay đổi. Điều đó có nghĩa là những thành quả đã đạt được có thể bị tác động, thậm chí bị triệt tiêu.
Ví dụ về tự do kinh doanh, hiện quyền tự do thành lập doanh nghiệp đã được bảo đảm, thế nhưng còn việc tham gia vào 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn bị rất nhiều rào cản vô lý. Một số cơ quan chức năng vẫn đặt ra những quy định làm méo mó thị trường, khiến thui chột sáng tạo kinh doanh và khiến người ta kinh doanh theo những cách không chính thức, chạy chọt, xin cho, dẫn tới phân bổ nguồn lực sai lệch và kém hiệu quả. Điều này rất cần thay đổi.
Một thành quả rất quan trọng của nhiệm kỳ vừa qua là ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Theo đánh giá của Bộ KHĐT thì cải cách đã trở thành một trong 4 động lực khiến tăng trưởng GDP năm 2015 đạt mức cao nhất 8 năm qua và vượt xa mục tiêu đề ra. Theo ông trong giai đoạn tới, cải cách thể chế sẽ đóng vai trò như như thế nào trong động lực tăng trưởng?
Cải cách thể chế là yếu tố trực tiếp tác động đến chất lượng và số lượng tăng trưởng. Nếu cải cách hệ thống tốt sẽ giúp nâng cao năng suất, hiệu quả, tức là sẽ thúc đẩy tăng trưởng theo một kiểu khác, bền vững hơn. Có thể nói đó là yếu tố tăng trưởng dài hạn bền vững nhất, các nước càng phát triển thì càng chú ý đến yếu tố này.
Giá dầu thế giới đang lao dốc không phanh, một nguyên nhân là do những thành tựu nghiên cứu khoa học mới ở Mỹ, trên nền tảng thể chế tốt, tạo thuận lợi cho sự sáng tạo. Uber là một ví dụ khác, khi người ta kinh doanh không theo những mô hình truyền thống, mà dựa trên nguồn lực sẵn có của và anh chỉ cần khả năng kết nối. Kinh tế chia sẻ(sharing economy)- mô hình kết nối để tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau – đang là hướng đi mới của kinh tế thế giới.
Trong khi đó, ở Việt Nam, vẫn có những quy định theo kiểu muốn làm kinh doanh thì phải có mấy cái kho rộng bao nhiêu mét vuông, có bao nhiêu chiếc xe, thậm chí có bao nhiêu vốn. Tư duy phổ biến vẫn là muốn làm kinh doanh thì phải có mọi thứ, một người, một doanh nghiệp phải làm tất cả, trong khi với những công nghệ mới, có vô số cách thức để làm. Tư duy như vậy rất hạn chế phát triển.
Ông kỳ vọng gì ở nhiệm kỳ mới về nhiệm vụ cải cách thể chế?
Tôi xin lấy ví dụ về một vấn đề luôn luôn thời sự tại Việt Nam-an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không xử lý đến nơi đến chốn, vấn đề này có thể “đầu độc” cả nền nông nghiệp Việt Nam. Tại sao như thế và làm cách nào? Tôi cho rằng vấn đề không phải là tăng kiểm tra, tăng xử phạt, mà quan trọng hơn là quy trình, là công nghệ quản lý.
Một hướng đi đã được Chính phủ chỉ rất rõ trong Nghị quyết số 19, là tăng cường quản lý rủi ro, nhưng cho đến nay, dường như mới chỉ có Tổng cục Hải quan áp dụng. Sẽ không một nhà nước nào có đủ nguồn lực để kiểm soát tất cả các nguy cơ, vậy thì phải tập trung vào những khâu, những lĩnh vực, những doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm, rủi ro cao, có khả năng gây ra hậu quả lớn.
Làm như vậy vừa kiểm soát được các nguy cơ, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ tự nguyện, tự giác chấp hành luật pháp vì thấy rằng càng chấp hành tốt thì càng ít bị kiểm tra. Tất nhiên điều này đòi hỏi việc xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ, nhưng việc đó cũng không khó khăn trong thời đại công nghệ thông tin.
Đáng tiếc là chúng ta đang làm ngược lại, trong khi nguồn lực có hạn thì lại tăng cường kiểm tra. Chẳng hạn như mới đây, theo một thông tư mới được Bộ Công Thương ban hành, doanh nghiệp nhập khẩu một cái áo cũng bị kiểm tra formaldehyt, dù họ không hề có bất kỳ vi phạm nào trong suốt nhiều năm trời.
Điều đáng mừng là chúng ta đã trên đà cải cách, như một dòng thác đã được khơi nguồn, phải tiếp tục gạt bỏ những hòn đá cản đường đang khiến dòng chảy ứ lại. Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ sắp tới, cơ quan chỉ đạo, điều hành sẽ tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ thiết lập trật tự cạnh tranh công bằng bình đẳng, thay đổi căn bản tư duy và cách thức quản lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Xin trân trọng cám ơn ông!