Giá đất nông thôn “nhảy múa”: Cần cắt cơn sốt đất

Theo Tâm Đan/batdongsan.enternews.vn

Với tiềm năng phát triển Hà Tĩnh đang trở thành “miền đất hứa” hút các nhà đầu tư. Lợi dụng thông tin về quy hoạch, giới bất động sản tung chiêu đẩy giá với hình thức “lướt” sóng.

Các giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật
Các giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật

Giá đất tăng theo dự án

Từ cuối năm 2021 đến đầu 2022, thị trường đất nền, đất thổ cư trên địa bàn Hà Tĩnh sốt bất thường, việc sốt đất xuất hiện chủ yếu ở các vùng nông thôn. Theo ngành chức năng, nguyên nhân khiến giá đất “nhảy múa” là do giới bất động sản lợi dụng thông tin các dự án để đẩy giá, dù những dự án vẫn đang nằm… trên giấy.

Mới đây, Công ty Cổ phần D&N Group gửi UBND tỉnh đề xuất được khảo sát và lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 làm dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng tại xã Yên Hòa và xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên), hay Tập đoàn VSIP khảo sát dự án xây dựng khu công nghiệp tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà... đã làm khuấy đảo thị trường đất nền tại các địa phương này.

Được biết, dự án khu công nghiệp VSIP đang khảo sát có diện tích khoảng 418ha gồm xã Việt Tiến và một phần xã Thạch Liên (huyện Thạch Hà).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết, hiện dự án mới ở giai đoạn khảo sát, quy hoạch đưa vào sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030, còn việc triển khai dự án cần thời gian khá dài.

Trước đó, khoảng cuối năm 2021, trước thông tin các dự án lớn đang được đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh), đặc biệt khi Tập đoàn Vingroup khởi công nhà máy sản xuất pin 4.000 tỷ đồng tại xã Kỳ Lợi thì giá đất tại các khu vực quanh nhà máy bỗng “đắt như tôm tươi”. Giới bất động sản trong và ngoài tỉnh đổ xô về khu vực này đẩy giá lên cao gấp hàng chục lần.

Để ngăn cơn sốt đất, Hà Tĩnh đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 140 triệu đồng đối với Công ty CP Đầu tư và Quản lý BĐS Dương Tâm Thịnh (Nghệ An) về hành vi quảng cáo sai sự thật liên quan đến mua bán bất động sản chính là bài học nhãn tiền.

Ông Nguyễn Ngọc Hoạch, Trưởng phòng Đất đai 1 - Sở TN&MT Hà Tĩnh cho rằng, các địa phương cần phối hợp với ngành liên quan siết chặt quản lý kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng “sức nóng” của các dự án để đẩy giá đất lên cao hơn so với giá trị thực.

Kịch bản cũ nhưng nhiều nạn nhân

Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh đang rất sôi động, nhất là với các khu vực có thông tin của các dự án lớn được triển khai. Tuy nhiên, người mua cần cân nhắc bởi những lô đất bị thổi giá lên quá cao. Người mua sẽ không mua được với giá trị thực, rủi ro với các nhà đầu tư là rất lớn, đặc biệt là những lô bán sang tay quá nhiều lần.

“Những thông tin quy hoạch mới chỉ là chủ trương, nhưng giới đầu tư lợi dụng vào những thông tin chưa rõ ràng đó đẩy giá tăng gấp nhiều lần. Việc tăng giá là do giới đầu tư thỏa thuận với nhau đẩy giá đất lên cao rồi lôi kéo người dân tham gia. Huyện đã có chỉ đạo địa phương tuyên truyền người dân hết sức cảnh giác, bởi khi giá đất được đẩy giá lên cao thì người mua sau là người thiệt thòi nhất”, ông Sáu cho hay.

Việc giá đất được đẩy lên cao chóng mặt đều thông qua lực lượng cò đất hùng hậu. Các giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật bởi những người này không có nhu cầu sử dụng đất. Thực tế, dù việc mua bán tại các địa phương có dự án khá sôi động nhưng các văn phòng đăng ký đất đai lại không có sự đột biến trong chuyển nhượng đất.

Đề cập đến vấn đề sốt giá đất, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã yêu cầu các ngành, địa phương liên quan phải thông tin đầy đủ về các dự án sắp triển khai trên địa bàn, tránh để các đối tượng “cò mồi” lợi dụng, tung tin thất thiệt nhằm thổi giá, bán đất, tạo các cơn “sốt” ảo gây hoang mang, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Rõ ràng, chiêu trò “thổi giá, tạo sóng” tại các địa phương có dự án đã là “kịch bản” cũ nhưng có thể sẽ có thêm nhiều nạn nhân mới. Hệ lụy là nhãn tiền nhưng phương án để “hạ nhiệt” tình trạng này mới chỉ dừng lại ở việc chính quyền địa phương phát đi cảnh báo cho người dân. Ngành chức năng cho hay, các giải pháp lâu dài phải ở tầm vĩ mô, của các ngành, các cấp cao hơn.