Giải đáp về thuế thu nhập cá nhân với các khoản phụ cấp
Hỏi: Phụ cấp xăng được trả vào lương có chịu thuế thu nhập cá nhân không? Trang bị đồng phục: Công ty không may, tiền công và tiền vải được trả vào lương có chịu thuế thu nhập cá nhân không? -Nguyễn Thúy An – Quảng Nam.
Trả lời: Theo nội dung câu hỏi của bạn đọc, Thời báo Ngân hàng thông tin như sau:
Theo quy định tại Tiết đ, Điểm 2.1.5, Khoản 2, Mục II, Phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật thuế TNCN, quy định về các khoản thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN như sau:
“Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động phù hợp với các quy định của pháp luật như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê kê khai thuế; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng, trừ các khoản khoán chi như: văn phòng phẩm, điện thoại, công tác phí, trang phục”.
- Tại Tiết f, Điểm 2, Điều 1, Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính, quy định:
Đối với khoản khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục... không tính vào thu nhập chịu thuế nếu mức khoán chi phù hợp với quy định của Nhà nước hiện hành. Mức khoán chi áp dụng đối với từng trường hợp như sau:
- Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.
- Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.
Căn cứ quy định trên, trường hợp của bạn hỏi xin trả lời như sau:
- Đối với phụ cấp xăng: nếu khoản phụ cấp này công ty trả cho người lao động dưới hình thức khoán công tác phí và mức khoán theo đúng quy định của Nhà nước thì không phải chịu thuế TNCN.
- Đối với phụ cấp trang bị đồng phục: trường hợp cá nhân nhận tiền trang phục không vượt quá mức quy định thì khoản thu nhập này cũng không chịu thuế TNCN (mức quy định hiện hành: 5 triệu đồng/người/năm).