Giải đáp xung quanh vấn đề cho vay lại chịu rủi ro tín dụng
Tại Họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA do Bộ Tài chính tổ chức diễn ra sáng 22/3/2016, có không ít câu hỏi liên quan đến vấn đề cho vay lại chịu rủi ro tín dụng. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã có những giải đáp đối với các thắc mắc này của phóng viên.
Lí giải băn khăn của phóng viên tại sao cần phải thay đổi sang cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, đến nay, dư nợ của chương trình, dự án đầu tư vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ chiếm trên 90% tổng dư nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ nhưng chủ yếu được thực hiện theo phương thức Bộ Tài chính ủy quyền cho cơ quan cho vay lại thực hiện cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng và được hưởng phí cho vay lại tính trên dư nợ cho vay lại. Tình trạng này phản ánh sự “bao cấp” của Nhà nước (Nhà nước chịu 100% rủi ro tín dụng), không phù hợp với nguyên tắc của tín dụng (lãi, phí tương ứng với rủi ro tín dụng) và không còn phù hợp với bối cảnh vốn ODA ngày càng giảm, chi phí vay của Chính phủ ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng phương thức cho vay lại chịu rủi ro tín dụng sẽ giúp khắc phục các tồn tại, hạn chế của cơ chế cho vay lại hiện hành, chuyển dần từng bước sang cơ chế cơ quan cho vay lại chia sẻ rủi ro tín dụng với Nhà nước. Đồng thời, góp phần chủ động đối phó với diễn biến về nguồn vốn vay nước ngoài khi Việt Nam tốt nghiệp IDA trong bối cảnh nợ công tăng cao; Từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; hạn chế tiến tới xóa bỏ bao cấp tín dụng từ nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ.
Trả lời câu hỏi liên quan đến phạm vi và đối tượng áp dụng của cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn đối với cho vay lại các chương trình, dự án đầu tư cho vay lại không bao gồm cho vay theo chương trình hạn mức tín dụng và cho vay lại chính quyền địa phương. Đối tượng áp dụng là các ngân hàng thương mại đủ điều kiện mới được tham gia làm cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.
Liên quan đến vấn đề mức chịu rủi ro tín dụng được tính toán như thế nào, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, mức chịu rủi ro tín dụng đối với cho vay lại vốn vay ODA thuộc đối tượng ưu đãi là tối đa 30%, không thuộc đối tượng ưu đãi là tối thiểu 30%; cho vay lại vốn vay ưu đãi là tối thiểu 50% và cho vay lại vốn vay thương mại là 100%.
Mức chênh lệch lãi suất tối đa tương ứng với các mức chịu rủi ro tín dụng nêu trên là 0,3%/năm, 0,5%/năm, 1%/năm và theo quy định hiện hành. Mức chênh lệch lãi suất tối đa 1%/năm được xác định trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế do chuyên gia WB cung cấp, mức lãi suất vốn vay ODA quy chuẩn hàng năm và thực tế thí điểm cho vay lại qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng thời gian qua.