Cho vay lại vốn ODA: Nhà nước vẫn phải chịu toàn bộ rủi ro tín dụng
“Cơ chế bao cấp bấy lâu nay thông qua cơ chế cấp phát từ ngân sách và cho vay lại nhưng Nhà nước vẫn phải chịu rủi ro tín dụng trong thời gian dài có thể tạo ra sức ỳ từ các dự án”.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thông tin như vậy tại buổi Họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA diễn ra sáng 22/3/2016.
WB sẽ chấm dứt ODA với Việt Nam vào tháng 7/2017
Ông Trương Hùng Long cho biết, dự kiến đến tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tuyên bố chấm dứt ODA với Việt Nam, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.
Báo cáo tại buổi Họp báo cho thấy, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 – 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD. Trong đó, 1/3 cho ngân sách Trung ương để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương; 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương và chỉ có 1/3 để cho vay lại các dự án trọng điểm của nhà nước.
Trong 15 tỷ USD dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm đến 92,2%; cho vay lại chỉ chiếm 7,8%. Đối với phần vốn để cho vay lại các dự án đầu tư trọng điểm của nhà nước, cho đến nay, hầu hết Chính phủ vẫn chịu toàn bộ các rủi ro tín dụng. Cơ quan cho vay lại chỉ có vai trò là ngân hàng phục vụ và hưởng phí dịch vụ.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Trương Hùng Long cho rằng, cơ chế bao cấp bấy lâu nay thông qua cơ chế cấp phát từ ngân sách và cho vay lại nhưng Nhà nước vẫn phải chịu rủi ro trong thời gian dài có thể tạo ra sức ỳ từ các dự án. Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, do đó, mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt.
Nếu như giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn thì 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp, vừa vốn tài trợ vừa vốn thương mại kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc.
Theo ông Long, khoản vay dài nhất của Việt Nam có thời hạn đến năm 2055, bình quân thời gian các khoản nợ vay là 12,5 năm. Theo đó, yêu cầu đặt ra trước khi Việt Nam “tốt nghiệp” ODA vào năm 2017 là phải trả nợ nhanh theo từng khoản vay.
“Tôi tính toán dòng tiền và từng khoản nợ hiện nay của Việt Nam, thời điểm phải trả nhiều nhất rơi vào khoảng năm 2022 – 2025, từ nay 2020 chưa phải là nhiều” - ông Long nói.
Hiện tại, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đang có chương trình làm việc với WB, sau đó là các tổ chức khác để đàm phán lộ trình và phương án trả nợ, hạn chế tối đa tác động của trả nợ nhanh tới ngân sách nhà nước để thực hiện cho vay lại và tránh “sốc” cho ngân sách khi tăng gấp đôi thời gian và chi phí.
WB cũng đã cam kết với Việt Nam đưa ra phương án để đảm bảo tránh tác động nhiều đến nghĩa vụ nợ của Việt Nam, kể cả lâu dài và trước mắt.
Dành khoảng 14,7% tổng thu ngân sách để trả nợ
Cũng tại buổi Họp báo, ông Trương Hùng Long cho biết, số tiền ngân sách nhà nước dành cho trả nợ năm 2016 chiếm khoảng 14,7% tổng thu ngân sách nhà nước, ước khoảng 150 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn trước mắt, theo ông Long, ngân sách nhà nước đang phải tập trung xử lý những khoản vay ngắn hạn trong nước. Đặc biệt, những khoản Chính phủ vay trong giai đoạn 2011-2013, với 70% vốn huy động thông qua tín phiếu, trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm, nay tới kỳ hạn phải trả.
Trước năm 2010, Việt Nam vẫn là nước thu nhập thấp, nên các khoản vay thường ưu đãi nước ngoài có kỳ hạn dài từ 30-40 năm, lãi suất thường dưới 1%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2010 tới nay, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nên nguồn vốn ưu đãi cũng giảm dần, thời gian vay chỉ còn từ 20-25 năm (thậm chí chỉ 15 năm), lãi vay khoảng 2%/năm. Thậm chí, một số nhà tài trợ chuyển sang vốn hỗn hợp (vừa hỗ trợ, vừa cho vay thương mại).
Để giải quyết những vấn đề đang đặt ra hiện nay đối với việc quản lý, sử dụng các khoản vay nước ngoài, ông Trương Hùng Long cho rằng, Nhà nước nên tập trung nguồn vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm, thu hẹp phạm vi cấp phát từ Ngân sách nhà nước và giảm tính bao cấp của nhà nước trong cơ chế sử dụng vốn vay nước ngoài.
Đối với các địa phương có tiềm lực tài chính khá và đặc biệt các địa phương có khả năng điều tiết ngân sách về Trung ương thì phải chia sẻ gánh nặng nợ với ngân sách Trung ương thông qua cơ chế cho vay lại địa phương.
Đối với các lĩnh vực, các dự án có khả năng hoàn vốn và có khả năng huy động từ các thành phần kinh tế thì phải chuyển dần sang cơ chế thị trường thông qua cơ chế cho vay chịu rủi ro. Về lâu dài sẽ thực hiện đúng theo cơ chế thị trường. Đồng thời, phải tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay công; tăng tính trách nhiệm của tất cả các chủ thể liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn vốn vay. Hơn nữa, phải tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay công; tăng tính trách nhiệm của tất cả các chủ thể liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn vốn vay.
Nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg trong đó có nội dung tăng cường cho vay lại chính quyền địa phương và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng thông qua cơ quan cho vay lại đối với nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Theo ông Long, đối với cho vay lại chính quyền địa phương, tỷ lệ cho vay lại được xác định theo điều kiện của nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi.
Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA dự kiến chia làm 5 nhóm bao gồm 3 nhóm đối với các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương theo mức độ trợ cấp, và 2 nhóm đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương. Đối với vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm 2 nhóm gồm nhóm các tỉnh nhận trợ cấp và nhóm các tỉnh có điều tiết về Trung ương.
Đối với cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, căn cứ tính chất nguồn vốn và mức độ ưu đãi về điều kiện cho vay lại hiện hành.
Tỷ lệ chịu rủi ro tín dụng của cơ quan cho vay lại đối với cho vay lại vốn ODA, trường hợp dự án thuộc danh mục ngành, lĩnh vực hưởng mức lãi suất ưu đãi khi vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Quyết định số 29/2011/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 tối đa 30%, trường hợp dự án không thuộc Danh mục này tối thiểu 30%; đối với cho vay lại vốn ưu đãi, tối thiểu 50%. Mức chênh lệch lãi suất mà các Cơ quan cho vay lại hưởng tương ứng các tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng nêu trên là tối đa 0,3%/năm, 0,5%/năm, 1%/năm./.