Đẩy mạnh cải cách trong quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ODA

PV.

Trong bối cảnh nợ công tăng cao và gần chạm ngưỡng Quốc hội phê duyệt (65% GDP), việc quản lý thận trọng nợ công, đảm bảo chỉ vay đúng mức cần thiết và chỉ vay cho các dự án có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ cho Chính phủ và chính quyền địa phương. Đó là nội dung quan trọng tại buổi Họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA do Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 22/3 vừa qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng cường cho vay lại vốn ODA đối với chính quyền địa phương

Theo Bộ Tài chính đánh giá, bối cảnh giai đoạn trước, nguồn vốn vay ODA dồi dào, điều kiện vay thấp. Các địa phương gặp nhiều khó khăn nguồn thu thấp và không đủ, cần nhiều nguồn vốn để phát triển. Phần lớn nguồn vốn ODA được trung ương cấp phát cho địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Tại buổi Họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA diễn ra sáng 22/3,Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại ( Bộ Tài chính) chia sẻ :Về điều kiện huy động vốn, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và có thể sẽ phải “tốt nghiệp” nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ từ năm 2017. Do đó, mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt và dự kiến tiến gần đến điều kiện thị trường trong giai đoạn tới.

Vì vậy, việc sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về vay, trả nợ cũng như cơ chế quản lý nợ của chính quyền địa phương để chuẩn bị cho giai đoạn Việt Nam nói chung và chính quyền địa phương nói riêng tiếp cận với nguồn vốn kém ưu đãi là cấp bách.

Thứ nhất, nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ ngày càng thu hẹp, nếu tiếp tục cấp phát là chủ yếu như thời gian qua sẽ dẫn đến vừa căng thẳng về nguồn vốn, vừa tăng gánh nặng của ngân sách trung ương.

Thứ hai, từ yêu cầu phải sử dụng có hiệu quả nguồn vốn thông qua nâng cao trách nhiệm của các địa phương bằng cơ chế cho vay lại đã được quy định tại Luật quản lý nợ công và yêu cầu tiếp tục có chính sách chia sẻ với các địa phương có khó khăn ngân sách trong quá trình phát triển.

Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện một bước cơ sở pháp lý của việc cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tạo tiền đề sửa đổi Luật quản lý nợ công trong một vài năm tới.

Nâng cao hiệu quả quản lý nợ chính quyền địa phương

Các dự án của chính quyền địa phương phải đảm bảo có sự giám sát, quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương để các dự án đạt được mục tiêu, hiệu quả, tiến độ đề ra. Theo đó, trong giai đoạn tới, cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương cần đảm bảo các mục tiêu như sau:

Một là, triển khai đồng bộ các giải pháp của Chính phủ để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, nợ chính quyền địa phương trước tình hình mới; hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc sử dụng, phân bổ và quản lý nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với chính quyền địa phương theo nguyên tắc minh bạch, công bằng, khắc phục các tồn tại, hạn chế về pháp luật đối với hoạt động này sau hơn 05 năm thực hiện.

Hai là, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch và công bằng về quyền vay lại của chính quyền địa phương đối với nguồn vốn vay nợ của Chính phủ. Khuyến khích địa phương chủ động tính toán, cân đối, huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và chia sẻ một phần nghĩa vụ nợ với ngân sách Trung ương.

Ba là, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương về hiệu quả dự án, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn vốn quan trọng này của đất nước.

Bốn là, cơ cấu lại việc sử dụng nguồn vốn vay nợ của Chính phủ theo hướng tăng dần tỉ trọng cho vay lại (đối với vốn ODA, tăng từ mức 7,85% trong giai đoạn vừa qua lên đến trung bình khoảng 25 - 30% trong giai đoạn tới), góp phần đảm bảo bền vững nợ, giúp cả trung ương và địa phương chủ động trước tình hình nợ công tăng cao và mức độ ưu đãi của nguồn vốn vay nước ngoài đang và sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới, theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg.