Nhà đầu tư cần xác định đầu tư hay đầu cơ để quản trị rủi ro, giúp bảo vệ dòng vốn
Đây là khuyến nghị của ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI) trong cuộc trao đổi với Tạp chí Hải quan về diễn biến cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiệu giảm giá trong khi dòng tiền đổ vào cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong những phiên gần đây.
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường tăng cao, VN-Index liên tục lập đỉnh nhưng thị giá của một số cổ phiếu lớn (bluechips) lại giảm, ông có nhận định gì về diễn biến này của dòng tiền trên thị trường?
Trong 2 tuần trở lại đây, thanh khoản thị trường lên rất cao, bình quân trên 30 nghìn tỷ đồng/phiên, điều này cho thấy tín hiệu dòng tiền lớn đang đổ vào thị trường chứng khoán rất mạnh với nhiều kỳ vọng. Chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh lịch sử 1.425 điểm, hiện đã lên 1.473 điểm và xu hướng tiếp tục tăng do dòng tiền lớn vẫn sẽ tiếp tục đổ vào thị trường trong thời gian tới.
Về phân lớp theo nhóm ngành, thực tế là những thời điểm VN-Index vượt các đỉnh lịch sử có vai trò rất quan trọng của các cổ phiếu lớn trong nhóm VN30 như ngân hàng, bất động sản, xây dựng và nguyên vật liệu... Nhưng sau khi vượt đỉnh, dòng tiền lại có sự lan tỏa sang các nhóm ngành khác, đặc biệt là nhóm cổ phiếu penny và midcap (vốn hóa vừa và nhỏ) tăng giá rất nhiều trong những phiên giao dịch 1 tuần gần đây. Như vậy, dòng tiền luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu và mỗi nhóm có vai trò cụ thể.
Những thời điểm quan trọng, giúp chỉ số bứt phá là các nhóm cổ phiếu lớn, nhưng sau khi chỉ số đã bứt phá thì dòng tiền lại lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khác, thay vào đó đà tăng của nhóm bluechips lại chững lại. Một tuần trở lại đây, chúng ta có thể thấy các cổ phiếu bluechips gần như không tăng giá, thậm chí có một số mã giảm giá như nhóm ngân hàng, nhưng nhóm cổ phiếu penny lại tăng rất mạnh. Đây là thực tế trên thị trường. Trong xu hướng tích cực thì dòng tiền sẽ có sự lan tỏa, những cổ phiếu penny, midcap vốn hóa nhỏ nên rất dễ tăng giá. Một lượng tiền lớn vừa phải đổ vào nhóm cổ phiếu này làm cho nó tăng trần hết biên độ, điều này không giống với cổ phiếu bluechips khi việc tăng hoặc tăng trần liên tiếp rất khó xảy ra.
Thực ra, đây là vấn đề thời điểm. Có những thời điểm dòng tiền sẽ lại luân chuyển trở lại cổ phiếu lớn để tiếp tục tạo ra sự bứt phá của VN-Index. Đơn cử như phiên giao dịch cuối tuần, ngày 12/11 vừa qua, cổ phiếu ngân hàng và thép hồi phục mạnh và bật tăng trở lại, theo đó VN-Index thiết lập đỉnh cao mới.
Việc dòng tiền đang đổ vào cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, thậm chí là nhóm cổ phiếu đầu cơ khi nhiều cố phiếu nhóm này tăng giá trong các phiên gần đây có tạo sức ép tâm lý lên nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu VN30 hay không, thưa ông?
Khi nhà đầu tư nhìn thấy các cổ phiếu nhỏ tăng rất mạnh, có thể họ có cảm giác cổ phiếu của mình là cổ phiếu tốt, nhưng tại sao lại không tăng giá. Thật ra thị trường chứng khoán luôn có những thời điểm như vậy. Ví dụ, 6 tháng đầu năm 2021 không có cổ phiếu penny và midcap nào tăng như cổ phiếu bluechips. Cổ phiếu bluechips trong 6 tháng đầu năm tăng rất mạnh, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Nhưng thời gian gần đây, cổ phiếu penny và midcap tăng nhiều hơn, bản chất của việc này không phải là cổ phiếu bluechips không tăng mà là đã tăng nhiều trong thời gian trước đó.
Đây là thời điểm cổ phiếu vừa và nhỏ thu hút được dòng tiền nên tăng giá. Đầu tư cổ phiếu bluechips là dài hạn, vấn đề là nhà đầu tư có đủ kiên nhẫn hay không mà thôi. Sẽ đến thời điểm cổ phiếu bluechips tăng giá, dòng tiền sẽ lại tập trung vào cổ phiếu bluechips, bởi theo quy luật, khi cổ phiếu này tăng quá cao thì dòng tiền sẽ luân chuyển sang cổ phiếu khác tiềm năng hơn. Đây là điều rất bình thường.
Đối với việc dòng tiền tập trung sang cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, nhà đầu tư sẽ chịu những rủi ro gì và ông có khuyến nghị tới nhà đầu tư?
Gần đây có nhiều cổ phiếu của DN kinh doanh thua lỗ, thậm chí nhiều cổ phiếu đứng trước khả năng có thể bị hủy niêm yết nhưng vẫn tăng giá. Thực tế là có những nhóm nhà đầu tư lớn tạo ra những đợt sóng để thu hút dòng tiền đầu cơ của nhà đầu tư, vì rất nhiều nhà đầu tư vào thị trường không phải đầu tư mà là lướt sóng, thấy cổ phiếu nào tăng giá nhiều thì họ sẽ đầu tư, họ kì vọng cao vào lợi nhuận khi tham gia đầu cơ cổ phiếu, nhưng không để ý đến vấn đề cơ bản, giá trị cốt lõi của DN là doanh thu, lợi nhuận của DN. Điều này lí giải vì sao các đội lái hay vin vào đó tạo ra các đợt sóng để thu hút các nhà đầu tư này. Thị trường chứng khoán hay giá cổ phiếu luôn luôn phản ánh giá trị của DN. Do đó, độ rủi ro của họ là có thể họ mua cổ phiếu không có nhiều giá trị ở mức giá rất cao, nhưng đến một thời điểm nào đó, cuộc chơi đi đến hồi kết, cổ phiếu của DN đó có thể giảm giá rất nhanh, phản ánh đúng giá trị thực chất của DN. Với đầu tư lướt sóng thì lỗ chỉ là vấn đề thời điểm.
Do đó, nhà đầu tư nên dành chút thời gian tìm hiểu việc mình đầu tư hay đầu cơ. Nếu đầu tư phải chọn DN có giá trị để nắm giữ cổ phiếu của DN này trong thời gian lâu dài. Nếu đầu cơ, phải xác định thị trường có tiềm năng gì và phải hiểu rất rõ rủi ro để có phương án bảo vệ cho bản thân. Đã tham gia cuộc chơi đầu cơ, chỉ riêng việc tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ là đã có thể bảo vệ được mình. Ví dụ, khi cổ phiếu giảm giá đến 10% thì nhà đầu cơ phải tự động thoát ra để bảo vệ thành quả, dòng vốn. Trong quá trình đầu tư, mỗi nhà đầu tư sẽ có trải nghiệm để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất là sẽ đi theo đầu tư hay đầu cơ. Theo phương pháp nào thì phải hiểu rất rõ những rủi ro của phương pháp đó để có nguyên tắc quản trị rủi ro giúp bảo vệ dòng vốn trong các tình huống mà mình phải rơi vào.
Xin cho biết dự báo của ông về diễn biến dòng tiền trên thị trường từ nay đến cuối năm?
Với những kết quả khả quan ngoài dự báo về sản xuất kinh doanh của DN niêm yết trong quý 3 cũng như những yếu tố tích cực kỳ vọng từ kinh tế vĩ mô, thực tế dòng tiền đổ vào thị trường mạnh mẽ trong hai tuần gần đây, dự báo thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng tích cực từ nay đến cuối năm. Chỉ số VN-Index có thể sẽ lên mức 1.500 hoặc 1.550 điểm khi kết thúc năm 2021.
Từ nay đến hết quý 4/2021, dự báo dòng tiền vào thị trường vẫn rất khỏe, đặc biệt là dòng tiền nội. Cận tết Nguyên đán xu hướng có thể sẽ thay đổi nhưng không lớn và mang tính chu kỳ khi cuối năm âm lịch dòng tiền thường có xu hướng rút khỏi các kênh đầu tư.
Lí do dòng tiền vào thị trường vẫn rất khỏe là việc Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) không thay đổi lãi suất, theo đó Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp, điều đó dẫn đến dòng tiền vào thị trường vẫn sẽ khả quan từ nay cho đến cuối năm.
Xin cảm ơn ông!