Giải pháp phát triển ổn định thị trường trái phiếu chính phủ


Bám sát mục tiêu cơ bản đã đề ra, từ nay đến cuối năm 2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường và tổ chức điều công tác phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) với một số giải pháp trọng tâm như: Ưu tiên phát hành các kỳ hạn từ 5-30 năm; Tập trung phát hành TPCP bằng nội tệ, lãi suất danh nghĩa cố định, thanh toán lãi định kỳ, phát hành linh hoạt trái phiếu có kỳ trả lãi đầu tiên ngắn hoặc dài hơn các kỳ trả lãi tiếp theo...

Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/4/2022.
Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/4/2022.

Tiếp tục tái cơ cấu danh mục trái phiếu chính phủ

Kế hoạch phát hành TPCP năm 2022 đã được KBNN thông báo ra thị trường là 400.000 tỷ đồng, gấp 1,25 lần so với số thực hiện năm 2021.

Triển khai kế hoạch trên, tại Hội nghị triển khai hoạt động thị trường trái phiếu năm 2022 tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 15/4/2022, KBNN đã thông tin cụ thể về mục tiêu cơ bản của công tác phát hành TPCP năm 2022 đến các thành viên thị trường, cụ thể như: Tiếp tục tái cơ cấu danh mục TPCP để hài hòa dòng trả nợ của NSNN các năm sau, đảm bảo mục tiêu kỳ hạn bình quân phát hành đạt 9 -11 năm hoặc có thể dưới 9 năm; Duy trì thị trường TPCP hoạt động thường xuyên, ổn định và tiếp tục phát triển, đóng vai trò thị trường định hướng cho các thị trường vốn dài hạn; Gắn kết chặt chẽ, tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nợ công, quản lý NSNN và ngân quỹ nhà nước, đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2022 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Được biết, để tạo thuận lợi cho công tác phát hành TPCP của KBNN, góp phần phát triển ổn định thị trường TPCP Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính cũng đã triển khai các giải pháp phát triển thị trường TPCP theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể như: Công bố công khai lịch biểu phát hành TPCP để tạo điều kiện cho các thành viên chủ động tham gia thị trường, tăng khả năng huy động vốn cho NSNN và thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp; Phát hành đa dạng các kỳ hạn TPCP nhằm thiết lập đường cong lãi suất chuẩn cho các sản phẩm tài chính, trong đó, tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài để góp phần kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ TPCP và thu hút các nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí và các định chế tài chính phi ngân hàng khác; Tiếp tục tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu nhằm tăng quy mô và tính thanh khoản của thị trường, thúc đẩy cạnh tranh và tăng thanh khoản của thị trường...

Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu khả năng phát hành các sản phẩm trái phiếu mới theo lộ trình phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư; Hoàn thiện và phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ để thực hiện chức năng tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường; Thực hiện các nghiệp vụ về phát hành bổ sung trái phiếu để hình thành các mã trái phiếu chuẩn nhằm tăng thanh khoản, ổn định thị trường…

Bộ Tài chính cũng thường xuyên rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích, ưu đãi về đầu tư TPCP nhằm thu hút các nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPCP. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đề xuất của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam và các thành viên thị trường, ngày 07/4/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp (Thông tư số 24); trong đó, bãi bỏ quy định về việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán đối với TPCP. Việc bãi bỏ quy định này là phù hợp với thông lệ thị trường do TPCP là tài sản không có rủi ro về thanh toán theo các quy định trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm. Theo đó, kể từ ngày 25/5/2022 (thời điểm Thông tư số 24 có hiệu lực thi hành), các nhà đầu tư sẽ không phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán đối với TPCP; việc tham gia mua, giao dịch TPCP sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây.

Điều hành hiệu quả công tác phát hành trái phiếu chính phủ

Theo KBNN, tổng khối lượng TPCP được KBNN phát hành tính đến hết tháng 4/2022 đạt 45.902 tỷ đồng, tương đương 11,5% kế hoạch năm, cơ bản phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn của NSNN.

Nối tiếp kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm 2022, bên cạnh các giải pháp phát hành TPCP đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian vừa qua (như tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu, đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP…), KBNN tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, tổ chức điều hành công tác phát hành TPCP theo các mục tiêu đề ra và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, ưu tiên phát hành các kỳ hạn từ 5-30 năm, có thể phát hành kỳ hạn dưới 5 năm khi nhu cầu thị trường đối với kỳ hạn dài giảm;

Hai là, tập trung phát hành TPCP bằng nội tệ, lãi suất danh nghĩa cố định, thanh toán lãi định kỳ, phát hành linh hoạt trái phiếu có kỳ trả lãi đầu tiên ngắn hoặc dài hơn các kỳ trả lãi tiếp theo; trường hợp cấp có thẩm quyền phê duyệt, có thể phát hành TPCP bằng ngoại tệ theo phương thức đấu thầu cho các tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật.

Võ Thy Trang/ Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2022