Giải pháp phát triển xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn tới
Trong những thập niên gần đây, phát triển xuất nhập khẩu đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa bền vững, do đó trong giai đoạn tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường...
Đánh giá tổng quan về hoạt động xuất nhập khẩu theo quan điểm phát triển bền vững
Trong những năm qua, phát triển xuất khẩu đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước. Xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế, xã hội như giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường sinh thái.
Quy mô và nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng mở rộng và đạt mức cao. Quy mô xuất khẩu tăng từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 336,31 tỷ năm 2021, tăng hơn 3,46 lần. Nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2021 ở mức cao, đạt 15,24%. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong GDP năm 2021 chiếm 92% (năm 2011 là 72,7%).
Mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú, đa dạng. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2020 là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhờ tăng trưởng xuất khẩu cao và tương đối ổn định trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới. Năm 2012, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt 100 tỷ USD. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ 50 thì đến năm 2020 đã vươn lên vị trí thứ 22 trong số những quốc gia có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới.
Chất lượng tăng trưởng xuất khẩu của nước ta trong 10 năm gần đây ngày càng được cải thiện. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có những chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng hàng nguyên liệu thô, sơ chế.
Trong 10 năm qua, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 61,2% năm 2011 lên 85,2% năm 2020; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản giảm từ 20,4% năm 2011 xuống 8,9% năm 2020; tương ứng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản giảm từ 11,6% xuống 1%.
Tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao có xu hướng tăng lên. Một số mặt hàng xuất khẩu mới, đại diện cho xu thế hiện đại hóa. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có có sự cải thiện về sức cạnh tranh, có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, da giày, điện tử, thủy sản, đồ gỗ... Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng và đa dạng hóa. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ.
Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu đã đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế bên cạnh các yếu tố khác là tiêu dùng, đầu tư và nhập khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu cao và tương đối ổn định trong nhiều năm đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô như hạn chế nhập siêu, cân bằng cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại tệ.
Chính sách khuyến khích xuất khẩu bền vững trong những năm qua cũng đã góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái. Khả năng đáp ứng các quy định về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm của nhiều nhóm hàng được nâng cao.
Các phương pháp sản xuất thân thiện môi trường ngày càng được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Phát triển xuất khẩu đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với khu vực nông thôn. Phát triển xuất khẩu cũng đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao trình độ lao động, hạn chế gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế, công nghệ nước ta còn thấp, chính sách nhập khẩu trong thời gian qua đã tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, giải quyết sự thiếu hụt về nguyên, nhiên liệu, máy móc thiết bị. Nhập khẩu đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, cải thiện trình độ công nghệ của nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn và tốt hơn…
Nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng hợp lý, đáp ứng được nhu cầu nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, công tác kiểm soát nhập khẩu được thực hiện tốt. Với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa khá cao, đạt bình quân 11,9%/năm trong thời kỳ 2011-2020, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu và các dự án đầu tư trong nước, nhập khẩu tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng chế biến hoặc đã tinh chế có xu hướng tăng (từ 72,2% năm 2011 lên 80,8% năm 2019), tỷ trọng nhập khẩu hàng thô và mới sơ chế có xu hướng giảm trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (từ 25,9% năm 2011 xuống 19,1% năm 2019).
Tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng có xu hướng tăng (từ khoảng 36,8% giai đoạn 2011-2015 lên 44,6% giai đoạn 2016-2020) đã và đang tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, cải thiện trình độ công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu hàng hóa được kiểm soát. Nhập siêu đã giảm mạnh và đã đạt được trang thái thặng dư trong giai đoạn 2016-2022 với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, lần lượt là 1,77 tỷ USD năm 2016; 2,11 tỷ USD năm 2017; 6,83 tỷ USD năm 2018; 10,87 tỷ USD năm 2019; 19,9 tỷ USD năm 2020, 4,0 tỷ USD năm 2021 và 11 tỷ năm 2022.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua phát triển chưa bền vững. Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ. Chính sách phát triển xuất khẩu trong thời gian qua vẫn còn chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Việt Nam chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có khả năng tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Tăng trưởng xuất khẩu của nước ta hiện nay vẫn còn dựa vào việc khuyến khích khai thác các nguồn lợi tự nhiên và sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố đầu vào làm gia tăng áp lực gây ô nhiễm.
Nhiều vấn đề xã hội nảy sinh từ hoạt động xuất nhập khẩu mà chúng ta chưa có cơ chế, chính sách để giải quyết hiệu quả. Chia sẻ lợi ích từ xuất khẩu chưa thật bình đẳng, đặc biệt là lợi ích thu được từ các nhóm hàng xuất khẩu có nguồn gốc thiên nhiên. Gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong quá trình tự do hóa thương mại. Cơ hội về thu nhập và việc làm dựa vào xuất khẩu chưa thật sự bền vững đối với nhóm xã hội dễ bị tổn thương là người có thu nhập thấp, khu vực nông nghiệp. Xung đột chủ doanh nghiệp và người làm công có xu hướng gia tăng.
Nhập khẩu chưa bền vững do vẫn chú trọng nhập khẩu công nghệ trung gian, nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, nhập khẩu cạnh tranh chưa được khuyến khích đúng mức. Nhập khẩu chưa được quản lý tốt đã góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm và suy thoái môi trường. Tình trạng nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo các quy định an toàn và môi trường còn khá phổ biến, nhất là nhập khẩu hàng hóa từ các nước cho chung biên giới.
Tình trạng nhập khẩu thiết bị lạc hậu, thực phẩm kém chất lượng, hóa chất nguy hại qua các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia chưa được ngăn chặn. Quản lý nhập khẩu chưa tốt làm nảy sinh hiện tượng gian lận thương mại, một số nhóm người thu lợi bất chính từ hoạt động nhập khẩu, làm trầm trọng thêm sự bất ổn định kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên là do, trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách xuất, nhập khẩu chúng ta chưa thật sự quan tâm đúng mức đến chất lượng tăng trưởng, thiên về chỉ tiêu số lượng, coi nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực của xuất khẩu đối với xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chưa chú trọng đúng mức để tạo tiền đề cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Hạn chế về năng lực thực thi các quy định về môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, các vùng nuôi trồng thủy sản, khu vực khai thác và chế biến khoáng sản là nguyên nhân gây nên suy thoái môi trường.
Hiện nay, chưa có chính sách chia sẻ lợi ích hợp lý trong hoạt động xuất khẩu và hạn chế rủi ro của hoạt động xuất khẩu. Điều này thấy rất rõ trong việc các đầu nậu thu gom nông sản ép giá đối với nông dân, các thương lái vật tư sản xuất nông nghiệp nâng giá để trục lợi, các công ty môi giới lao động (đặc biệt là lao động nước ngoài), tư vấn chuyên môn định phí quá cao… Hoạt động xuất khẩu dễ bị tổn thương trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là các nhóm xuất khẩu dựa vào lợi thế về điều kiện tự nhiên và lao động rẻ như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ…
Cơ sở pháp lý để hạn chế rủi ro chưa được thực hiện một cách liên tục và kịp thời. Lợi ích từ xuất khẩu không được chia sẻ một cách hợp lý tiềm ẩn nguy cơ xung đột xã hội, giảm lòng tin của người dân vào các chính sách của nhà nước.
Phát triển xuất, nhập khẩu bền vững đặt ra hết sức cấp bách đối với nước ta trong giai đoạn 2021-2030, giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, với mục tiêu chủ yếu là coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng, ổn định xã hội, bảo vệ tốt môi trường. Đây là chủ trương lớn của Đảng cho giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Yêu cầu phát triển xuất, nhập khẩu bền vững càng bức xúc hơn trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu hơn với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là thực thi các cam kết FTA ở mức độ cao hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế làm tăng cơ hội mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, do đó khuyến khích khai thác tài nguyên và gia tăng sử dụng các yếu tố đầu vào liên quan đến môi trường, tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường qua biên giới.
Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự biến động kinh tế thế giới đang là thách thức đối với việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và bền vững. Mở cửa thị trường, thực hiện các cam kết thương mại quốc tế có thể làm nảy sinh các vấn đề xã hội như việc làm, thu nhập, xung đột xã hội... nếu như không có các chính sách đúng đắn và kịp thời. Như vậy, ở nước ta, trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo còn đang tiềm ẩn những nhân tố làm chệch định hướng phát triển bền vững kinh tế nói chung và xuất, nhập khẩu nói riêng.
Định hướng phát triển xuất nhập khẩu thời kỳ đến 2030
Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn đến 2030 đề ra quan điểm phát triển xuất nhập khẩu là: “Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Trên cơ sở mục tiêu định hướng chung nêu trên, một số định hướng cụ thể phát triển xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2020 là:
Định hướng xuất khẩu hàng hoá
- Phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Giai đoạn 2021 - 2025: Nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt; nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng thâm dụng lao động và có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình.
- Giai đoạn 2026 - 2030: Phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Định hướng nhập khẩu hàng hóa
- Chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát việc nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu.
- Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiếp thu thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu và thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu.
Một số chính sách và giải pháp
Thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vữnggiai đoạn tới, cần chú trọng các nội dung sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường: Tiếp tục hoàn thiện một số chính sách vĩ mô nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy cạnh tranh và tạo lòng tin cho các doanh nghiệp. Duy trì sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô bằng cách hoàn thiện các chính sách đầu tư, tài chính, cân đối ngân sách, ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu.
Hai là, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế: Chuyển nền kinh tế từ tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển chủ yếu theo chiều sâu, trên cơ sở sử dụng hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, hiệu quả của nền kinh tế nói chung và hiệu quả của vốn đầu tư nói riêng. Chuyển nền kinh tế từ khai thác và sử dụng tài nguyên dưới dạng thô sang chế biến tinh xảo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Triệt để tiết kiệm các nguồn lực trong phát triển, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khan hiếm và hạn chế tiêu dùng, ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau.
Ba là, đầu tư phát triển khoa học và công nghệ: Ưu tiên nhập khẩu công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, nhập khẩu bằng sáng chế phát minh để ứng dụng, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và phối hợp nghiên cứu triển khai (R&D). Xây dựng trung tâm công nghệ cao thu hút đầu tư nước ngoài của các công ty đa quốc gia để từng bước rút ngắn khoảng cách về công nghệ với các nước trong khu vực. Phát triển thị trường khoa học - công nghệ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và tăng tính thanh khoản các nguồn vốn đầu tư cho R&D, đổi mới công nghệ và sản phẩm mang tính sáng tạo. Thực hiện cơ chế khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển khoa học - công nghệ.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ: Xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn và đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ kỹ sư công nghệ và lao động lành nghề, tác phong công nghiệp. Có chính sách trọng dụng nhân tài, đãi ngộ hợp lý đối với người lao động, nhất là những người có nhiều cống hiến cho đất nước. Cải cách hệ thống tiền lương theo tiêu chí công bằng dựa trên năng lực, chất lượng và hiệu quả công việc, đảm bảo giữ chân người tài phục vụ lâu dài cho doanh nghiệp.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu, tập trung vào các nhóm chính sách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số, nhanh chóng hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ, khả năng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ trên thế giới.
Năm là, phát triển doanh nghiệp: Đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao tính chủ động, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Khuyến khích kinh tế tập thể và tư nhân phát triển lâu dài, trong đó phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được coi là nhiệm vụ then chốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng về xuất khẩu.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh lâu dài và hiệu quả ở Việt Nam, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao. Tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, đồng thời tăng cường khả năng liên kết ngành kinh tế, xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh để nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển xuất khẩu bền vững.
Sáu là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Ưu tiên thu hút đầu tư trong và ngoài nước để nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật một cách đồng bộ, từ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, cung cấp điện, bến cảng, kho tàng, văn phòng, đến hệ thống thông tin liên lạc..., coi phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật là một trong những đột phá chiến lược ưu tiên nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.
Triển khai thực hiện tốt các quy hoạch về hệ thống kết cấu hạ tầng xuất nhập khẩu, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán buôn, trung tâm hội chợ triển lãm thương mại để hỗ trợ cho các hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là thương mại biên giới. Xây dựng chiến lược phát triển các loại hình dịch vụ logistics, thu hút đầu tư vào kinh doanh dịch vụ logistics, tiến tới giảm chi phí logistics, thúc đẩy và gắn kết công nghệ thông tin trong logistics.
Bảy là, tăng cường quản lý, kiểm soát nhập khẩu: Khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ cao, các loại nguyên nhiên vật liệu cơ bản phục vụ các ngành sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Nghiên cứu áp dụng chính sách khuyến khích nhập khẩu cạnh tranh thông qua cơ chế đấu thầu, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ cao, vật tư, nguyên nhiên vật liệu cơ bản trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu thông qua áp dụng các biện pháp phi thuế quan, rào cản kỹ thuật trong thương mại và các biện pháp hành chính, hải quan hiệu quả.
Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong thương mại quốc tế; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại; tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phù hợp với các nguyên tắc của WTO.
Tám là, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế: Thực hiện tốt các cam kết Việt Nam đã ký kết, nhất là các cam kết FTA thế hệ mới. Tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, tận dụng tốt hơn cơ hội và hạn chế thách thức từ các hiệp định FTA này để đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Đổi mới cơ chế và tổ chức điều phối liên ngành trong việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trước hết là kiện toàn bộ máy của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
Tăng cường năng lực và hoạt động của các cơ quan ngoại giao, thương vụ để cung cấp thông tin dự báo kịp thời về thị trường, bạn hàng xuất nhập khẩu, đồng thời xử lý hiệu quả các sự cố xảy ra đối với thị trường và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác kinh tế toàn diện với các nước, tạo dựng vị thế chiến lược của quốc gia trên trường quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ đến năm 2030;
- Bộ Công Thương (2020), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2019, Nhà xuất bản Công Thương, Hà Nội;
- Bộ Công Thương (2021), Báo cáo tổng kết năm 2020 và 5 năm 2016-2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương, Hà Nội, ngày 7/1/2021;
- Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2021-2030, Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI;
- Thủ tướng chính phủ (2011), Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030;
- Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: Định hướng chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, Nhà xuất bản Công Thương;
- Số liệu từ Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan Việt Nam (http://www.customs.gov.vn/), Tổng cục Thống kê (http://www.gso.gov.vn/), Niên giám thống kê hàng năm.