Giải quyết những thách thức về sở hữu trí tuệ khi Việt Nam gia nhập EVFTA
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào cuối năm 2015. Kết quả này là bước tiến quan trọng trong lộ trình tăng cường quan hệ song phương toàn diện, đặc biệt là quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Hiệp định EVFTA cũng sẽ đem đến không ít những thách thức cho Việt Nam, trong đó nổi lên là vấn đề về sở hữu trí tuệ.
Sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với các cam kết trong Hiệp định EVFTA
Kết quả rà soát chi tiết cho thấy, pháp luật Việt Nam khá tương thích với đa số các cam kết trong EVFTA về sở hữu trí tuệ trong tất cả các nhóm cam kết, từ nguyên tắc chung tới các tiêu chuẩn bảo hộ quyền cũng như thực thi quyền.
Về các nội dung cụ thể, pháp luật Việt Nam đã hoàn toàn đáp ứng các nghĩa vụ của Chương 12 EVFTA về sở hữu trí tuệ. Về nguyên tắc pháp luật Việt Nam sẽ không cần phải sửa đổi, bổ sung hay điều chỉnh để thực thi EVFTA về các nội dung này.
Những cam kết về sở hữu trí tuệ mà pháp luật Việt Nam hiện nay chưa tương thích với EVFTA chủ yếu liên quan tới các cam kết mà pháp luật Việt Nam hoàn toàn chưa tương thích với Chương 12 EVFTA (03 cam kết), trừ cam kết về công nhận tự động các chỉ dẫn địa lý của EU mang đặc thù rất riêng (không trùng với bất kỳ đối tác hay chủ thể nào khác); 02 cam kết còn lại liên quan tới pháp luật nội địa Việt Nam (cam kết về việc bù đắp chậm trễ trong quá trình đăng ký lưu hành thuốc và cam kết suy đoán về chủ thể quyền trong tố tụng về sở hữu trí tuệ).
Liên quan tới nhóm cam kết về sở hữu trí tuệ mà pháp luật Việt Nam còn chưa tương thích một phần, trên thực tế phần lớn cam kết trong nhóm này chỉ có khác biệt nhỏ, mang tính chi tiết hơn, đầy đủ hơn pháp luật Việt Nam về cùng vấn đề (tập trung ở các cam kết liên quan tới phạm vi bảo hộ các quyền tác giả và quyền liên quan và các cam kết liên quan tới thực thi các quyền sở hữu trí tuệ).
Nhận diện những thách thức trước thềm Hiệp định EVFTA
Khảo sát cho thấy, trong khi các doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng Việt Nam còn khá thờ ơ với sở hữu trí tuệ (sở hữu trí tuệ), thì đây lại là yêu cầu đặt lên hàng đầu của những nhà đầu tư EU khi hợp tác với DN Việt Nam. Thậm chí, đòi hỏi về bảo hộ sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư EU còn cao hơn đòi hỏi về quyền sở hữu trí tuệ trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Những tồn tại liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ trong thực tế hiện nay có thể dễ dàng nhận diện ở những khía cạnh cụ thể sau:
Thứ nhất, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện còn mâu thuẫn với EVFTA. Hiện có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, bao gồm: Quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; Quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; Cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; và Nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm.
Ví dụ Điều 5.6 của EVFTA quy định về các căn cứ yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu của Việt Nam nếu nhãn hiệu đó chưa được “sử dụng thật sự”, tuy nhiên khái niệm “sử dụng thật sự” lại chỉ tồn tại ở các nước EU, không tồn tại ở Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho công tác thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Về nội dung suy đoán quyền tác giả và quyền sở hữu, pháp luật nước ta cũng chưa có quy định liên quan đến vấn đề suy đoán giả định về chủ thể quyền. Cụ thể, để chứng minh được mình là người có quyền, các chủ thể phải xuất trình các bằng chứng cụ thể về quyền (phần lớn bằng văn bản). Trong khi đó, theo EVFTA, nếu không có bằng chứng ngược lại thì người có tên trên đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan được mặc định suy đoán là chủ thể quyền mà không cần bằng chứng nào khác.
Thứ hai, quản lý thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Ở nước ta, mặc dù đã có quy định về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhưng việc thực thi bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng và quản lý việc sử dụng, ghi nhãn nguồn gốc xuất xứ chưa thật sự hiệu quả. Hầu như chỉ có biện pháp hành chính được áp dụng là chủ yếu. Hiệu quả các biện pháp hành chính cũng tương đối hạn chế, trong khi biện pháp dân sự theo yêu cầu của các bên liên quan cũng như việc thực thi liên quan tới nguồn gốc thực phẩm cũng còn rất hạn chế.
Hoàn thiện chính sáchtrước khi EVFTA có hiệu lực
Bối cảnh trên đòi hỏi Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo các chuẩn mực quốc tế; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ thống luật pháp, đảm bảo nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thực thi vai trò can thiệp và điều tiết của chính phủ mà không cản trở, bóp méo sự phát triển của thị trường; Hoàn thiện và đồng bộ hóa các thị trường trong nước: Thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ; Đẩy mạnh cải cách hành chính, xoá bỏ các thủ tục rườm rà, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo hướng thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế nói chung và của EVFTA nói riêng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát các hoạt động đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã cam kết trong hiệp định. Trong đó, chú trọng nâng cao công tác quản trị và quản lý tài chính công của chính phủ. Sự hài hòa hóa và minh bạch trong các gói thầu sẽ phân bổ hiệu quả nguồn lực và tiết kiệm ngân sách, vì các nhà cung cấp có năng lực cạnh tranh, chi phí thấp sẽ tiếp cận Việt Nam.
Việc cải thiện quản trị khu vực công là tiền đề mang lại lợi ích hiệu quả kinh tế; Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện, tích cực trao đổi, học hỏi các phương pháp mới, xây dựng những quy định phù hợp về sở hữu trí tuệ với các quốc gia chủ chốt của EU như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường năng lực quản trị kinh doanh của các giám đốc và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp; Bồi dưỡng khả năng kinh doanh quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần phải tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh và dần hình thành thói quen sử dụng tư vấn pháp lý...
Nhìn chung, Hiệp định EVFTA là một trong hai Hiệp định thế hệ mới lớn nhất và dự báo sẽ ảnh hưởng tới thể chế pháp luật và kinh tế của nước ta. Do vậy, Nhà nước cũng như các DN Việt Nam cần thiết phải nghiêm túc nghiên cứu và triển khai hiệu quả những giải pháp đột phá, qua đó tạo bước đệm tốt nhất trên lộ trình tiến tới Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào năm 2018.
Tài liệu tham khảo:
1. TS Nguyễn Thị Thu Trang,2016, Báo cáo “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU về sở hữu trí tuệ“;
2. PGS., TS Nguyễn An Hà, 2015, FTA Việt Nam - EU: Cơ hội, thách thức và đối sách của Việt Nam;
3. Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế - VCCI, 2011, Phân tích tác động của FTA Việt Nam - EU đối với một số ngành có sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam.