Giải thể, ngừng hoạt động nhiều: Vì sao nên nỗi?
(Tài chính) Dẫu biết rằng, doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động là quá trình đào thải tất yếu của thị trường, song khi có quá nhiều và lâu dài thì sẽ mang đến nhiều hệ lụy.
Doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao
Theo báo cáo của Cục Quản lý và Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động trong quý I/2015 của cả nước là 2.565 doanh nghiệp và số doanh nghiệp khó khăn tạm ngừng hoạt động là 16.175 doanh nghiệp
Tính chung cả nước về số doanh nghiệp khó khăn phải giải thể và tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm, con số này lên tới hơn gần 19.000 doanh nghiệp, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có hơn 15.000 doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy, số lượng doanh nghiệp phá sản hoặc phải ngừng hoạt động vẫn còn ở mức rất cao.
Dẫu biết rằng, doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động là quá trình đào thải tất yếu của thị trường. Song, khi một nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp phá sản, thì sẽ mang đến nhiều hệ lụy.
Trả lời phỏng vấn trên báo Petrotimes về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: “Nếu mà hàng chục ngàn doanh nghiệp phải giải thể, tất nhiên số lao động bị mất việc rất nhiều. Thị trường là gì, thị trường là sức mua của người lao động có thu nhập. Người lao động bị mất việc thì không có sức mua nữa, hàng hóa trên thị trường không có chỗ tiêu thụ. Vì vậy bây giờ phải cố gắng làm sao cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hồi phục, phát triển lại thì mới có công ăn việc làm thì lúc đó mới có nguồn tiêu thụ được, ngược lại không thể trông đợi sức mua tăng lên được.”
Đặc biệt, đối với nước ta khi yêu cầu có một môi trường kinh doanh ổn định nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thì việc có tới gần 19.000 doanh nghiệp phá sản trong 3 tháng cũng gây ảnh hưởng đến cái nhìn của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước.
Vì sao nên nỗi?
Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng cửa. Trong đó nguyên nhân khách quan là do kinh tế thế giới suy giảm, trong khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên doanh nghiệp Việt gặp khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động.
Một nguyên nhân nữa cũng cần nhắc tới đó là sự yếu kém trong năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thì số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy rằng, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có sức chống chọi kém với khó khăn thấp hơn hẳn so với những doanh nghiệp có quy mô lớn. Đặc biệt vì có quy mô nhỏ nên tâm lý của các ông chủ cũng dễ dàng buông xuôi khi gặp khó khăn hơn các doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, thống kê của Cục Quản lý và Đăng ký kinh doanh cũng cho thấy, doanh nghiệp hoạt động trên 3 năm có số lượng giải thể nhiều hơn so với doanh nghiệp mới thành lập. Cụ thể: số lượng doanh nghiệp giải thể có vòng đời hoạt động trong vòng 01 năm là 111 doanh nghiệp, chiếm 4,3%; số doanh nghiệp hoạt động 02 năm là 500 doanh nghiệp, chiếm 19,5%; số doanh nghiệp hoạt động từ 03 năm trở lên chiếm 76,2%.
Điều này được các chuyên gia lý giải rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ thường dùng chiêu giải thể sau 3 năm hoạt động để tránh thuế, rồi sau đó lại thành lập một doanh nghiệp tương tự để hoạt động. Hiện số lượng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sống nhờ lách thuế kiểu này cũng không hề nhỏ.
Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp của cán bộ, công chức theo kiểu “chân trong, chân ngoài” hoặc kinh doanh theo sở thích, cảm hứng. Chính vì vậy, khi mà công việc “chân trong” không còn hỗ trợ được nhiều thì họ sẽ rút “chân ngoài” cho nhẹ gánh hoặc đơn giản là hết thích, hết cảm hứng kinh doanh.
Chính sự tồn tại của hàng chục nghìn “doanh nghiệp ma” chỉ trong thời gian ngắn và thành lập rồi giải thể trong vòng vài tháng hoặc nhiều lắm chỉ đến một năm khiến số lượng doanh nghiệp giải thể và thành lập mới luôn ở mức cao.
Hy vọng, khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 chính thức có hiệu lực, với những cải cách mới về thể chế, đặc biệt là việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ phần nào khắc phục được tình trạng này.