Giảm 30% đến 50% xe công vào năm 2020: Khó nhưng vẫn có thể làm được!
Đây là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng trong nỗ lực tiết giảm chi phí công trong chỉ thị vừa ban hành về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe ô tô phục vụ công tác chung.
Thủ tướng chỉ thị cả nước phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ô tô phục vụ công tác chung.
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính phủ cũng yêu cầu các ban bộ ngành hạn chế việc trang bị bằng hiện vật, chuyển dần sang cơ chế khoán.
Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng đối với tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hướng hạn chế việc trang bị bằng hiện vật, chuyển dần sang cơ chế khoán có tính chất bắt buộc, thực hiện phương thức thuê dịch vụ và Nhà nước đặt hàng; xác định cụ thể từng đối tượng được trang bị tài sản; đồng thời xác định công năng sử dụng của tài sản để trang bị cho nhiều đối tượng dùng chung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế ở từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, tránh lãng phí trong việc trang bị, mua sắm tài sản.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành định mức sử dụng tài sản chuyên dùng (xe ô tô chuyên dùng; diện tích đặc thù trong trụ sở làm việc; máy móc, thiết bị chuyên dùng...), bảo đảm chặt chẽ, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, việc quản lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập cũng sẽ được siết chặt.
Các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập; thu toàn bộ các khoản thu được từ việc sử dụng tài sản công không đúng quy định để nộp vào ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra vi phạm và các tập thể, cá nhân liên quan.
Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc cũng được kiểm soát chặt chẽ. Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc theo quy định, bao gồm cả diện tích làm việc và diện tích các bộ phận phục vụ, phụ trợ, công cộng, kỹ thuật ngay từ khâu lập, phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được đầu tư xây dựng trụ sở mới, khi chuyển sang trụ sở mới phải bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.