Gian nan tìm đối tác ngoại

Theo saigondautu.com.vn

Làn sóng ngân hàng lựa chọn các định chế tài chính lớn của nước ngoài làm cổ đông chiến lược hoặc phát hành thêm cổ phần để chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài diễn ra khá rầm rộ trong giai đoạn 2005-2011.

Ảnh minh họa. Nguồn: saigondautu.com.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: saigondautu.com.vn

Song từ năm 2012 đến nay, một số cổ đông chiến lược đã thoái vốn khỏi ngân hàng và việc tìm kiếm đối tác đầu tư chiến lược của các ngân hàng thương mại (NHTM) ngày càng khó khăn hơn.

Nhà băng Việt mở cửa

Trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và áp lực hội nhập ngày càng cao, các NHTM Việt Nam kỳ vọng sự hỗ trợ từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để có thể trưởng thành nhanh chóng, trước khi ngành ngân hàng chính thức mở cửa.

Đầu năm 2015, BIDV dự kiến sẽ bán 25% vốn cổ phần cho 2 đối tác ngoại, trong đó 15% vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 10% vốn cổ phần cho nhà đầu tư tài chính, nhưng kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được.

Mới đây, MB đã nới room từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, theo đó bổ sung thêm 160 triệu cổ phiếu cho giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Công ty Chứng khoán HSC, có vẻ MB đã thay đổi chiến lược do thời gian kéo dài mà không tìm được đối tác chiến lược phù hợp. Sau khi ngân hàng OCBC (Singapore) rút vốn từ cuối năm 2013 cho đến năm 2015, VPBank không có nhà đầu tư nước ngoài nào sở hữu cổ phần. Tháng 10/2015, ĐHCĐ của VPBank đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương 20% vốn sau phát hành thực hiện vào quý IV-2015 và năm 2016.

Trước đây, do sự hạn chế về năng lực tài chính, khả năng quản trị, điều hành và sức cạnh tranh, hầu hết các NHTM Việt Nam đều kỳ vọng liên kết với các định chế tài chính lớn, có uy tín của nước ngoài thông qua việc phát hành thêm cổ phần để chào bán riêng lẻ cho tổ chức đó với tư cách là cổ đông chiến lược nước ngoài.

Nhưng hiện nay, đối tác chiến lược nước ngoài còn có thêm vai trò hỗ trợ ngân hàng thực hiện đúng các quy định về vốn góp. Cụ thể, một số nhận định cho rằng động thái MB nới room từ 10 lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo thanh khoản cho cổ phiếu, đồng thời cũng giúp một số ngân hàng đang là cổ đông hiện tại sở hữu trên 5% cổ phần của MB như Vietcombank (7,16%) và Maritimes Bank (8,74%) thoái vốn khỏi ngân hàng này.

Trong khi đó, mục đích BIDV muốn tìm 2 cổ đông ngoại nhằm đa dạng hóa cấu trúc sở hữu, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống 65%. Ngoài ra, áp lực hội nhập kinh tế quốc tế cũng là nguyên nhân nhiều ngân hàng muốn tìm đối tác ngoại để có thể lớn mạnh một cách nhanh chóng.

Nhà băng ngoại ngập ngừng

Đối với vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NHTM, tháng 4-2015 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàngNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM Việt Nam lên trên mức trần 30% như hiện nay.

Về phía NHTM, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, kiến nghị cần có lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng từ 30-35% và xem xét tiếp tục nới. Trước đó, VietinBank cũng đã đề xuất Chính phủ nới room lên trên mức 30%. Tuy nhiên, mong muốn và kỳ vọng vào khối ngoại của ngân hàng dường như quá lớn, trong khi thực tế việc tìm đối tác ngoại đang ngày càng khó khăn hơn.

Theo Công ty Chứng khoán HSC, đầu năm 2015 BIDV có vẻ khá lạc quan về kế hoạch tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, cuối cùng ngân hàng đã tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu. BIDV không còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng cho vay khách hàng trong năm nay do không thể phát hành thêm nhiều vốn cấp 2 mà không tăng vốn cấp 1.

Trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo các NHTM thừa nhận khó tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vì thị trường tài chính trong nước lẫn thế giới đều có nhiều thăng trầm. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu vốn tại ngân hàng Việt Nam ở mức 30% cho các nhà đầu tư ngoại và 20% cho một đối tác. Điều này kém hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vì chưa cho phép họ được quyền quyết định.

Còn theo ông Sandeep Mahajan, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài muốn tăng tỷ lệ sở hữu sẽ gặp khó khăn trong việc phân tích các bản báo cáo tài chính của ngân hàng Việt Nam, vì các báo cáo này không theo các tiêu chuẩn kế toán quốc tế.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vào ngân hàng Việt Nam chia làm 2 loại, một là ngân hàng nước ngoài, hai là các công ty đầu tư tài chính.

Các công ty đầu tư tài chính tham gia vào ngân hàng không phải như một nhà đầu tư chiến lược hỗ trợ thay đổi quản trị ngân hàng, nhưng các ngân hàng nước ngoài tham gia vào ngân hàng Việt sẽ chuyển giao phong cách quản lý hiện đại cũng như những công nghệ mới mang đến nhiều giá trị hơn. Trong quá trình hợp tác, các ngân hàng trong nước cũng tiếp thu chắt lọc để phát triển toàn diện hơn.

Tuy nhiên, với chính sách mở cửa cho phép ngân hàng nước ngoài có thể thành lập ngân hàng có 100% vốn và những ngân hàng 100% vốn nước ngoài phát triển rất tốt tại Việt Nam như HSBC, ANZ… rõ ràng các ngân hàng nước ngoài đang nhận thấy tham gia vốn vào các ngân hàng trong nước cũng không có lợi ích. Việc mở cửa đã làm giảm động lực đầu tư của ngân hàng nước ngoài vào NHTM trong nước.