Giữ đà tăng trưởng

Theo Hồng Anh/nhandan.com.vn

(Taichinh) - Sáu tháng đầu năm 2015, công tác quản lý và điều hành giá cả bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy mục tiêu tăng 5% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho cả năm là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, việc kiểm soát lạm phát năm nay chỉ được coi là thành công nếu mức tăng giá vẫn tạo được đà cho tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lo ngại giảm phát ?

Theo số liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6 vừa qua tăng 0,55% so với tháng 12/2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá về các con số này, TS.Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, đây đều là các mức tăng thấp nhất của chỉ số CPI trong tháng 6 kể từ năm 2001 đến nay.

"Tốc độ lạm phát trong vòng một năm qua đang có xu hướng giảm mạnh. Nền kinh tế hiện đang ở tương đối gần mức lạm phát 0%, đồng thời lại đang ở rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%", TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.

Cũng theo TS. Độ, vấn đề lạm phát thấp đã được đặt ra từ năm 2014 khi tốc độ lạm phát của tháng 12/2014 so với cùng kỳ năm trước giảm xuống mức 1,84%.

Tuy nhiên nếu vào thời điểm đó, việc giá dầu thế giới giảm mạnh được cho là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát rơi xuống mức 2% thì đến thời điểm hiện tại, lý do này không còn thuyết phục khi tính trung bình sáu tháng qua, tác động của giá xăng dầu đến CPI là không lớn.

Thậm chí, chỉ số CPI còn chịu sự tác động của việc tăng giá điện, tỷ giá và dịch vụ y tế. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ giá tăng 2% khiến CPI tăng thêm 0,6% và giá điện tăng 8,47% đẩy chỉ số CPI tăng thêm 0,22%.

"Như vậy, trong nửa đầu năm nay, các yếu tố chi phí đẩy về cơ bản có tác động đẩy lạm phát gia tăng, và do đó tình trạng lạm phát thấp hiện nay có thể được giải thích bởi nguyên nhân tổng cầu", TS. Độ phân tích.

Trên thực tế, kể từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn trong tình trạng thấp hơn mức tiềm năng (khoảng 6,5%), nghĩa là tốc độ tăng của tổng cầu luôn yếu hơn tốc độ tăng của tổng cung. Điều này khiến chênh lệch tổng cầu-tổng cung liên tục giảm và kéo lạm phát giảm theo.

Với quan điểm tổng cầu là yếu tố tác động lâu dài mang tính quyết định, xu hướng lạm phát giảm sẽ chỉ dừng lại khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng từ 6,5% trở lên. Nhìn lại diễn biến chỉ số CPI sáu tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế, PGS, TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, sau nửa năm, lạm phát mới chỉ ở mức 0,55%, bằng gần một phần mười mục tiêu lạm phát cả năm và thấp nhất trong 14 năm trở lại đây.

Kết quả này là tín hiệu khả quan để cả năm CPI sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5%, có thể tăng thấp hơn các năm trước và thậm chí chỉ ở mức 1,7% như dự báo của Ngân hàng ANZ.

"Lạm phát thấp có tác động tích cực tới kinh tế-xã hội, mang lại sự an tâm cho các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô yên tâm hơn trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường. Nhưng việc kiểm soát lạm phát năm nay chỉ được coi là thành công nếu mức tăng giá vẫn tạo được đà cho tăng trưởng GDP" - PGS., TS. Ngô Trí Long khẳng định.

Đâu là thách thức ?

Theo PGS., TS. Ngô Trí Long, tăng trưởng kinh tế GDP ước tính sáu tháng đầu năm đạt mức 6,28%, là mức cao so với vài năm gần đây, tiếp tục xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt mục tiêu đề ra 6,2%.

Nhưng hàng loạt các yếu tố kinh tế nền tảng chưa được cải thiện, cho nên dù tăng trưởng cao song nội lực còn yếu. Điều này được thể hiện ở số doanh nghiệp giải thể là 4.700, tạm ngừng hoạt động 27 nghìn doanh nghiệp; nhập siêu nửa đầu năm nay lên tới 3,75 tỷ USD;...

Do đó, bên cạnh những kết quả đã đạt được như lạm phát thấp, tăng trưởng cao, để phát huy nội lực của nền kinh tế Việt Nam, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho giai đoạn 2016 - 2020 ở mức 6,5 - 7%. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là mức tăng GDP cần tiến tới để tránh rơi vào tình trạng giảm phát. Nhưng làm thế nào để đạt được mức tăng trưởng này cũng là một thách thức không nhỏ.

Trước mắt, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ mức 6,5% trở lên, theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, một trong những điều kiện cần là phải giảm được lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Tuy nhiên, dù việc hạ lãi suất là cần thiết nhưng thực tế quá trình này hiện đang diễn ra rất chậm chạp.

"Trong giai đoạn 2012-2014, Ngân hàng Nhà nước đã rất thành công trong việc hạ lãi suất, giảm lạm phát, đồng thời ổn định tỷ giá và thị trường vàng. Một trong những lý do dẫn đến thành công này là các dòng tiền nóng đã hướng vào thị trường trái phiếu. Khi dòng tiền chảy vào trái phiếu, áp lực lên tỷ giá sẽ giảm bớt, cơ hội giảm lãi suất rộng mở, việc phát hành trái phiếu Chính phủ dễ dàng hơn, tín dụng tăng trưởng cao hơn và việc xử lý nợ xấu sẽ thuận lợi hơn. Do vậy, hướng dòng tiền vào trái phiếu vẫn là một mũi tên trúng nhiều đích trong bối cảnh hiện nay" - TS. Độ đề xuất.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Chiến lược Ngân hàng lại cho rằng, để kiểm soát lạm phát ổn định thì vấn đề kiểm soát tiền tệ luôn phải được đặt ra hàng đầu, đi kèm với nó là phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, bảo đảm sự cân bằng tương đối cung - cầu hàng hóa.

Thực tế trong sáu tháng qua, giá cả hàng hóa vẫn bị chi phối bởi cung - cầu hàng hóa. Cung hàng hóa vẫn ở mức cao hơn so với cầu (bao gồm cả cầu tiêu dùng và cầu sản xuất) cho nên yếu tố tiền tệ là nhân tố quan trọng làm tăng giá.

Và trong sáu tháng cuối năm, tín dụng vẫn tiếp tục gia tăng, cùng với chính sách nới "room" cho các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ thu hút nhiều dòng vốn FDI, đặt ra thách thức cho việc kiểm soát dòng tiền đối với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát lạm phát, nhất là vấn đề kiểm soát tỷ giá.

"Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh chống buôn lậu hàng hóa, cải thiện kênh phân phối hàng hóa bảo đảm hiệu quả, bởi vấn đề giảm giá do buôn lậu, kênh phân phối kém hiệu quả có thể tác động bất lợi đến các chính sách kiểm soát giá bền vững" - TS. Nguyễn Thị Kim Thanh kiến nghị.