Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục được cải thiện

Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia

(Taichinh) - Bước sáng quý II, tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ (ước tính khoảng 6,32% so với cùng kỳ năm trước).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngay từ quý I/2015, kinh tế trong nước đã có mức tăng trưởng bất ngờ với 6.03% so với cùng kỳ năm trước (là mức tăng cao nhất của quý I trong 5 năm qua .

Bước sáng quý II, tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ (ước tính khoảng 6,32% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế diễn ra không đều về nhịp độ tăng giữa ba khu vực chính, trong đó: Sự phục hồi của nền kinh tế chủ yếu do khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ duy trì ở mức tăng trưởng trưởng vừa phải; khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do đó tốc độ trưởng không được cải thiên, thậm chí có dấu hiệu đi xuống so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cho 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,16% so với 6 tháng đầu năm 2014. Trong đó, ngành nông lâm thủy sản ước đạt 2,13%, CN và XD tăng 8,36% và khu vực dịch vụ ước đạt 6,3%.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục được cải thiện - Ảnh 1

Nông, lâm nghiệp và thủy sản: tăng trưởng giảm sút so với cùng kỳ năm 2014

Tốc độ tăng trưởng của khu vực NLTS 6 tháng đầu năm đạt 2,13%, ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2014 đạt 2,96%). Nguyên nhân của sự suy giảm cụ thể là:

- Về nông nghiệp: những tháng đầu năm, nguồn cầu các mặt hàng nông sản không ổn định từ các thị trường tiêu thụ chính góp phần khiến cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản chỉ ở mức cầm chừng. Hiện tượng trồng cây nông nghiệp và chăn nuôi gia súc tự phát, không gắn với tiêu thụ gia tăng rủi ro cho nông dân, phá vỡ quy hoạch cũng là những yếu tố cản trở phát triển nông nghiệp. Trong khi đó, các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, chính sách tạm trữ lúa gạo, các chính sách hỗ trợ khác chưa đủ để nông nghiệp, nông thôn, nông dân có thể hạn chế tổn thương và vượt qua những cú sốc thị trường. Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và xâm nhập kéo dài là yếu tố gây khó khăn cho ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2015.

- Về chăn nuôi: Số lượng trâu bò giảm do hiệu quả chăn nuôi thấp và diện tích chăn thả bị thu hẹp. Chăn nuôi lợn phát triển theo xu hướng tốt hơn khi dịch bệnh được hạn chế và giá bán ở mức có lợi cho người chăn nuôi.

Ước tính giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2014 tăng 2,5%).

- Ngành thủy sản: 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước tính đạt 3.034 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất của ngành thủy sản trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2014 tăng 6%). Đáng chú ý, ngành thủy sản cũng gặp phải những khó khăn trong khâu tiêu thụ đầu ra tương tự ngành nông nghiệp. Do sự sụt giá của đồng Euro, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều thách thức khiến tăng trưởng ngành thuỷ sản giảm còn 3,38%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý I/2014.

- Lâm nghiệp: tăng trưởng có đà tăng khá. Diện tích trồng rừng mới tập trung cũng tăng nhanh so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng 7,9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,9%). Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp chỉ đóng góp dưới 3% vào giá trị toàn ngành NLTS nên không giúp cải thiện nhiều tốc độ tăng trưởng toàn ngành.

Khu vực công nghiệp và xây dựng

Trong nửa đầu năm 2015, sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng ấn tượng, dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng GDP ngành CN-XD trong quý I/2015 đạt 8,35%, nhanh gần gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2014 (4,69%). Đặc biệt, ngành công nghiệp tăng 9,01%, từ mức 5% tại quý I/2014. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 1,6 điểm phần trăm (trong 2,6 điểm phần trăm của toàn ngành công nghiệp) vào tăng trưởng chung. Ước tính trong cả 6 tháng đầu năm, tăng trưởng của khu vực CN-XD sẽ đạt 8,36%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tiếp tục duy trì đà tăng kể từ đầu năm. Ước tính 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành có đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Nhìn từ chỉ số PMI cũng cho thấy sự mở rộng của khu vực sản xuất trong nước. Tính tới tháng 5/2015, chỉ số PMI của Việt Nam đạt mức 54,8 điểm, đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 4/2011. PMI đã duy trì trên 50 điểm trong 21 tháng liên tiếp kể từ tháng 9/2013. Điều này hàm ý điều kiện sản xuất cải thiện liên tục sau mỗi tháng trong hơn 1 năm rưỡi - bao gồm cả sản lượng và việc làm - có tương quan ở mức độ nhất định với các thống kê chính thức. Đây cũng là thời kỳ cải thiện liên tục dài nhất kể từ khi PMI được khảo sát và công bố từ quý II/2011.

Đối với ngành xây dựng, thời điểm nửa đầu năm 2015 đã chứng kiến sự phục hồi của thị trường bất động sản với sự gia tăng một lượng lớn các giao dịch so với cùng kỳ năm trước nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự tham gia hỗ trợ tích cực của các ngân hàng và sự linh hoạt của các doanh nghiệp.

Khu vực dịch vụ

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm có xu hướng duy trì mức tăng trưởng ổn định. Tăng trưởng quý I/2015 chỉ đạt 5,82%, thấp hơn mức 5,95% quý I/2014 nhưng đã dần cải thiện trong quý II. Một số lĩnh vực có mức tăng trưởng khá như: thương mại, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, kinh doanh bất động sản,…

Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn gặp khó khăn, đáng chú ý là ngành du lịch và vận tải. Ước tính 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng của khu vực này đạt khoảng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch vụ du lịch cho thấy sự sụt giảm. Ngoài lượng khách Hàn Quốc tăng cao thì các thị trường khác tăng trưởng ít hoặc giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là khách du lịch từ Trung Quốc và Nga. Khách du lịch từ Nga cũng giảm và có sức chi tiêu thấp hơn. Lượng khách du lịch quốc tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt trên 3,9 triệu lượt khách, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2014 .

Dịch vụ vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng chậm do tăng trưởng của hàng hóa xuất khẩu chậm so với cùng kỳ 2014, cộng với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến vận tải hàng hóa và hành khách ngoài nước.